kêu gào kể-lể, và tiếng khóc chỉ có chiều dài, không có tình thương.
Người viếng sau khi trao lễ viếng, đứng lễ trước bàn thờ người chết.
Con cháu người chết phải đáp lễ. Khách viếng sau khi lễ người chết, được
người sống đáp lễ, cũng phải quay về phía người đáp lễ vái lại.
Xác người chết còn nằm trong nhà, khách viếng chỉ phải lễ hai lễ và ba
vái như khi lễ một người sống. Khi đã cất đám, khách đến viếng sau đám
tang, lễ trước bài vị người chết bốn lễ ba vái, như trong một đám cúng hoặc
đám giỗ.
Khách viếng thường mang theo đồ lễ, nhưng cũng có khách gửi đồ lễ
tới trước và tới viếng sau. Đồ lễ viếng gồm câu đối, trướng, trầu cau, trà nến,
vàng hương, và ở nhà quê chỗ thân tình người ta thường dùng lễ viếng bằng
cả cỗ xôi con gà hoặc cỗ xôi thủ lợn. Cũng có người viếng bằng tiền. Đây là
một cách giúp đỡ tang-chủ, và cũng là một cách để dành, vì sau này nếu
người đi viếng có việc hiếu hỷ, tang chủ lúc đó sẽ lại mang tiền tới chia vui
hoặc chia buồn.
Bà đồ, vợ chồng Vinh và Tiệp thật vất vả. Nào tiếp khách, nào lo cỗ
bàn mời khách, nào lo việc khóc mỗi khi có trống kèn nổi lên.
Đáp lễ khách thường là Vinh, nhưng nhiều lúc Vinh mệt quá. Khoan
phải đứng lễ thay anh vợ. Mẫn tuy bé cũng phải đứng đáp lễ. Đôi khi, có
những học-trò của ông đồ đã làm nên cũng mặc tang-phục, quần áo trắng,
khăn trắng đứng đáp lễ những người tới viếng lễ thày.
Trên giường thờ khói hương nghi-ngút. Người nhà chạy đi chạy lại, xen
lẫn vào trong đám khách viếng, mời khách trầu, nước và cơm rượu.
Ma chê cưới trách, người nhà đám phải luôn luôn săn sóc khách khứa
để tránh mọi sự chê-bai.
Thỉnh-thoảng mệt mỏi quá, bà đồ, vợ Vinh và Tiệp lại chia nhau vào
trong buồng nằm nghỉ.
Đã hơn một ngày nay, Tiệp mệt quá, không ăn cơm. Nàng chỉ ăn cháo.
Phần vì mỏi-mệt không muốn ăn, phần vì đau-đớn thương cha, ăn không