Khách tới nhà đám sau khi lễ viếng, thường cùng nhau thưởng-thức
bình phẩm những đôi câu đối viếng treo hai bên tường nhà hoặc hai bên
vách rạp.
Những câu đối viếng ông đồ đều là những đôi câu đối hay rất nhiều ý
nghĩa, của các tay đại-khoa có, danh-sĩ có và của cả những học-trò giỏi của
ông đồ.
Và người ta cũng nhắc lại những câu trong văn-tế đã nêu lên bao nhiêu
đức-tính của ông đồ, bao nhiêu sự giúp đỡ lân-bang làng xóm của ông, và tất
cả những sự-nghiệp tiếng tăm ông đã có.
Các bà trong làng gặp bà đồ, thường an-ủi : « Ông đồ đã tới số về với
các cụ, bà cũng chẳng nên quá ưu-sầu ».
Bà đồ cảm ơn họ, đôi giòng lệ tràn ra theo lời nói. Tình chồng vợ, kẻ
khuất, người còn nguôi sao được.
Cũng như khi ông đồ còn sống, ngày hai lần tới bữa có lễ cúng cơm.
Trong lúc lễ cử-hành, lại kèn trống, lại tiếng khóc. Chủ lễ là Vinh. Vinh là
con trưởng, được đứng mời hương-hồn ông đồ dùng bữa.
Người sới cơm hoặc là bà đồ hoặc là vợ Vinh. Đó là bổn-phận của
người vợ và người con dâu trưởng, nhưng đây cũng là đặc quyền của những
bực chính-thất và của nàng dâu.
Trong những buổi lễ dâng cơm như vậy tất cả tang-quyến đều đến lễ
trước bàn thờ. Lòng thành-kính thương nhớ của người sống đối với người
chết được chứng tỏ trong mọi lễ-nghi.
Xác ông đồ quàn ở trong nhà đã hai ngày, kể từ khi lễ thành phục. Chỉ
còn đêm nay nữa, sớm hôm sau đám tang sẽ cử-hành. Suốt trong hai ngày,
nhà đám luôn luôn tấp-nập nhộn-nhịp cho tới khuya. Tiếng kèn trống, tiếng
khóc than, tiếng chuyện trò ồn-ào của khách-khứa. Nhà trên, nhà ngang, nhà
bếp, những người là người. Người ăn cỗ, người làm giúp, người hầu-hạ !
Khuya, khách khứa vãn, cảnh tang-gia đượm một vẻ buồn.