ta bỏ qua những gì có thể nằm sau đó. Sự mệt mỏi nơi khóe môi. Nét buồn
trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, hay đúng hơn, khả năng thấu cảm của chúng
ta bây giờ giống như chiếc ăngten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai
dùng nó để bắt sóng nữa.
Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng ta không
hiểu gì về họ cả, ta sẽ trả lời rất nhanh: “Bạn không nói làm sao tôi hiểu
được” như thể đó hoàn toàn là lỗi ở họ.
Sách vở thường viết rằng, hai thế hệ rất khó hiểu nhau, cha mẹ và con
cái không hiểu nhau, đàn ông và phụ nữ không hiểu nhau. Vì chúng ta bày
tỏ theo những kiểu khác nhau, diễn giải sự việc theo cách khác nhau, dùng
từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau.
Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ mà
quên rằng vẫn còn một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa
con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người
yêu thương thường dùng, khi họ thực sự yêu thương.
Yêu và biết cách yêu là hai điều khác nhau, phải vậy không? Ta luôn
có thể yêu cho bản thân mình, bằng cách nào cũng được, nói hay không
nói, chia sẻ hay không, nhưng để yêu cho người khác thì phải biết cách yêu
- tức là biết cách bắt sóng cảm xúc của người ấy để vuốt ve, yêu thương,
chia sẻ với những cảm xúc thường tìm cách lẩn trốn ấy. Đó là khi ta giao
tiếp không phải để bày tỏ chính mình mà là để thấu hiểu người ấy. Nói hay
thinh lặng không phải để mở cửa tâm hồn mình mà tìm đường vào tâm hồn
người ta yêu. Đó là khi ta lắng nghe, không chỉ những lời nói, mà lắng nghe
một làn sóng, một tín hiệu vô thanh. Những tín hiệu yếu ớt của cảm xúc.
Cũng Daniel Goleman trong một bài phỏng vấn đã nói đại ý rằng,
chúng ta hoàn toàn có thể mài giũa trí tuệ xã hội của ta, lấy lại khả năng
thấu cảm, bằng một cách đơn giản: hãy chuyển sự chú ý của ta sang người
ta yêu. Ngay khi ta thực sự chú ý đến họ, ta sẽ ngay lập tức bắt được trường