nói: “Trong số đó hẳn có nhiều người ước mình từng chọn lựa (và được
chọn lựa) như Juno”.
Chị tôi lặng im một hồi lâu rồi thốt lên rằng, bộ phim đã bỏ qua một
điều rất quan trọng, vô cùng quan trọng. Đó là những vết thương lòng.
Juno và bạn trai - dù muốn hay không, dù nhớ hay quên thì họ cũng đã
là một người mẹ và một người cha. Và cô bé và cậu bé, cuộc sống vẫn tiếp
diễn. Nhưng chắc rằng, Juno đã mang trong tim mình một vết thương lòng.
Cô có thể quên nó đi trong đoạn đời còn trẻ và vô tư lự, nhưng rồi một
ngày, nó sẽ tấy lên khi cô đã là một người mẹ thực sự và có những đứa con
khác. Và một khi vết thương ấy rỉ máu trở lại, nó không bao giờ lành nữa.
Hãy hỏi những người mẹ. Họ sẽ nói - một đứa con gái ngoài ý muốn
và để nó rời khỏi mình theo bất cứ cách nào đều là một vết thương lòng.
Những vết thương lòng của ký ức, đôi khi chúng chỉ là một vết sẹo nhỏ,
nhạt nhòa, nhưng điều lạ lùng là chúng luôn có khả năng ngăn cản ta cảm
nhận niềm hạnh phúc của thực tại mà ta đáng được hưởng. Giống như bạn
đang ăn một chén cơm gạo mới thơm ngon và cắn phải một hạt sạn nhỏ.
Cảm giác của hai hàm răng khi cắn hạt sạn sẽ xóa đi cảm giác ngon miệng
trước đó, và sau đó. Thậm chí, đôi khi, ta nhớ cái cảm giác rạn vỡ đó suốt
đời.
Chúng ta vẫn đọc trên các diễn đàn và trên báo chí những tranh luận
chưa bao giờ dứt về việc trao gửi thân xác trước hay sau hôn nhân. Đôi khi,
chúng ta cười như mếu trước khoảng cách xa lắc giữa các bài học đạo đức
và dòng chảy thực tế của cuộc sống. Khi nào là sớm, khi nào là muộn? Nếu
bạn muốn nghe, tôi sẽ nói cho bạn nghe điều tôi thực sự nghĩ. Đó là “khi
nào” không quan trọng bằng “với ai”. Đây không phải là một bài học đạo
đức, mà là điều xảy ra trong thực tế, hôm qua, hôm nay và rất lâu sau nữa.
Với ai, đó là vấn đề.