“Anh có chút thời gian rảnh không? Tốt. Ngồi đây đọc. Xong thì cho
tôi biết anh nghĩ gì. Ai mà biết. Có khi anh đọc ra được cái gì đó cũng nên.”
Mỗi khi viết cho Cavedagna, Marana luôn luôn có vài lý do thực tế: để
biện bạch cho sự lần lữa không giao bản dịch, để thúc ép trả tiền tạm ứng, để
mách nước những ấn bản mới của nước ngoài mà nhà xuất bản không nên để
vuột khỏi tay mình. Song giữa những chủ đề trao đổi công việc thường tình
đó xuất hiện những lời bóng gió về những âm mưu, những điều bí ẩn, và để
giải thích các ám chỉ đó, hay để giải thích vì sao anh ta không muốn nói
nhiều hơn, Marana rốt cuộc lại đâm ra dùng kiểu ăn nói trơn tru liến thoắng
càng ngày càng rồ dại và lộn xộn.
Các bức thư đề địa chỉ nhiều nơi trên khắp năm châu, mặc dù xem ra
hầu như chẳng có khi nào được gửi bằng bưu điện thường, mà thường được
giao phó cho những người đưa thư ngẫu nhiên để họ bỏ thùng thư ở nơi
khác, thành thử tem dán trên phong bì không tương ứng với quốc gia nơi thư
được viết ra. Trình tự thời gian cũng chẳng rõ: có những bức thư nhắc lại
những thư trước đó, thế nhưng các thư này hóa ra lại được viết sau; có
những thư hứa hẹn sẽ đưa ra lời giải thích sau, nhưng rồi các giải thích này
lại nằm trong những trang thư viết một tuần trước.
“Cerro Negro”, cái tên – có vẻ như là – của một làng xa xôi ở Nam Mỹ,
xuất hiện trên dòng đầu mấy bức thư cuối; nhưng đích xác làng ấy ở đâu,
cheo leo trên dãy Andes hay tận sâu trong rừng rậm Orinoco, thì không thể
nào luận ra được từ những mảnh phong cảnh thấp thoáng đầy mâu thuẫn mà
các thư đó gợi ra. Bức thư trước mặt bạn kia trông như một thư giao dịch
làm ăn thông thường: nhưng làm thế quái nào một nhà xuất bản sách bằng
tiếng Cimmeria lại đi chui vào xứ đó kia chứ? Và nếu các ấn bản của nhà ấy
là nhắm vào cái thị trường nhỏ nhoi là đám dân Cimmeria di cư ở cả Bắc
Mỹ lẫn Nam Mỹ thì làm thế nào họ ấn hành được bản dịch bằng tiếng
Cimmeria các sách mới toanh của những tác gia quốc tế lừng danh nhất,
những đầu sách mà họ mua được bản quyền ấn hành toàn cầu bằng cả ngôn
ngữ gốc của các tác gia ấy nữa? Sự thực vẫn là, Ermes Marana, kẻ hình như