khác, một giọng khác, một cái tên khác, để được tái sinh; nhưng mục đích
của tôi là nắm bắt trong cuốn sách cái thế giới không thể đọc ra, không có
trung tâm, không có cái ngã, không có tôi.
Nghĩ kỹ mà xem, nhà văn toàn triệt này có thể là một người rất khiêm
nhường, loại mà ở Mỹ người ta gọi là ghost writer, nhà văn ma, một chuyên
gia rất mực hữu dụng mặc dù chẳng tiếng tăm gì lắm: người biên tập vô
danh mang lại hình thức cuốn sách cho những gì kẻ khác có để kể nhưng lại
không có khả năng hoặc thiếu thời gian viết, anh ta là cái bàn tay viết mang
lại ngôn từ cho những hiện thể quá bận rộn với việc hiện hữu. Có lẽ đó mới
là thiên hướng thật của tôi và tôi đã thiếu nó. Lẽ ra tôi đã có thể nhân bội cái
tôi của mình lên, mang lấy cái tôi của những người khác, vờ đóng những cái
tôi rất khác với tôi và rất khác nhau.
Nhưng nếu một sự thật cá nhân là sự thật duy nhất mà một cuốn sách có
thể hàm chứa, thì tôi hẳn cũng có thể chấp nhận nó mà viết ra sự thật của tôi.
Cuốn sách về ký ức tôi ư? Không, ký ức chỉ thật chừng nào ta không cố định
nó, chừng nào nó không bị gói kín trong một hình thức. Cuốn sách về các
dục vọng của tôi ư? Chúng cũng chỉ thật chừng nào sự thôi thúc của chúng
vận hành độc lập với ý chí hữu thức của tôi. Sự thật duy nhất mà tôi có thể
viết là sự thật của khoảnh khắc tôi đang sống. Có lẽ cuốn sách đích thực là
cuốn nhật ký này, nơi tôi cố ghi lại hình ảnh người đàn bà ngồi nơi ghế xếp
vào những giờ khác nhau trong ngày, trong khi tôi quan sát nàng dưới ánh
sáng đổi thay.
Sao lại không thừa nhận rằng sự bất mãn của tôi phát lộ một tham vọng
vô bờ bến, có lẽ là một cơn mê sảng vĩ cuồng? với nhà văn muốn triệt tiêu
chính mình để trao giọng nói cho những gì ở ngoài mình, có hai con đường
mở ra: hoặc viết một cuốn sách có thể là có một không hai, khai phá đến
cùng kiệt cái toàn thể trong những trang của nó; hoặc viết mọi cuốn sách,