Tôi lấy cuốn sách để trên bàn đưa cho anh ta, sau khi cho vào một
phong bì, dán kỹ lại, để anh ta không bị cám dỗ mà lật qua và do vậy sẽ
không nhận ra ngay rằng nó chẳng có gì liên quan tới Trong mạng lưới
những đường giao cắt hay với bất cứ tiểu thuyết nào khác của tôi, dù ngụy
tác hay chính tác.
“Tôi biết là có rất nhiều sách mạo danh Flannery,” Người đọc nói, “và
tôi đã đâm ra tin rằng ít nhất một trong hai cuốn ấy là đồ giả. Nhưng còn
cuốn kia, liệu ông có cho biết là đồ giả được hay không?”
Nếu tôi cứ thế mà cho người này biết những vấn nạn của tôi thì hẳn là
thiếu khôn ngoan. Tôi cố vớt vát tình thế bằng một câu thâm thúy, “Những
cuốn sách duy nhất tôi nhận ra được là của mình là những cuốn tôi sẽ còn
phải viết.”
Người đọc này tự kìm mình, chỉ khẽ mỉm cười lịch thiệp, rồi lại trở nên
nghiêm trang nói, “Thưa ông Flannery, tôi biết ai đứng đằng sau vụ này:
không phải người Nhật, mà là một gã Ermes Marana nào đó, kẻ đã đầu têu
toàn bộ chuyện này chỉ vì ghen tuông đối với một thiếu phụ mà ông có biết,
Ludmilla Vipiteno.”
“Thế thì tại sao ông đến gặp tôi?” tôi đáp. “Đến gặp cái ông đó mà hỏi
ông ta sự thể thế nào.” Tôi bắt đầu đâm ngờ rằng giữa Người đọc này và
Ludmilla có một mối dây gắn bó, và thế là đủ để giọng tôi mang âm sắc thù
địch.
“Tôi không có cách nào khác,” Người đọc đáp. “Thực ra, tôi có cơ hội
đi công tác sang khu vực gã ta đang ở, tại Nam Mỹ, và tôi sẽ tận dụng cơ hội
này để tìm gã.”
Tôi không thú gì chuyện báo cho anh ta rằng, theo chỗ tôi biết, Ermes
Marana làm việc cho người Nhật và tổng hành dinh các nhà ngụy thư của gã
là ở Nhật. Với tôi điều quan trọng là sao cho vụ rầy rà này càng tránh xa
khỏi Ludmilla càng tốt: thế nên tôi khuyến khích anh ta hãy đi công tác và
hãy tiến hành tìm kiếm thật gắt gao cho tới khi nào tìm ra tay dịch giả ma
đó.