Đó là một ý nghĩ mà tôi cảm thấy cũng có thể nói ra bây giờ chứ không
giữ riêng cho mình như tôi vẫn làm với mọi ý nghĩ của mình, nói ra với
người phụ nữ đang ngồi đây bên tôi trong quán bar, chủ cửa hiệu đồ da,
người mà tôi chớm cảm thấy khao khát bắt chuyện. “Có phải thành phố của
chị lúc nào cũng thế không?”
“Không, không phải vậy,” nàng trả lời tôi, và tôi biết nàng sẽ trả lời tôi
như thế. Nàng khăng khăng là người ta không thể tiên kiến được một cái gì,
đây cũng vậy mà đâu cũng vậy: dĩ nhiên, tối nào cũng vậy, vào giờ này Bác
sĩ Marne đóng cửa phòng mạch còn Cẩm Gorin hết giờ trực ở sở cảnh sát;
và họ luôn luôn ghé vào đây, hoặc người này trước hoặc người kia trước;
nhưng điều đó có ý nghĩa gì?
“Dù sao đi nữa, hình như chả ai nghi ngờ chuyện ông bác sĩ sẽ cố tránh
gặp Bà Marne ngày xưa,” tôi nói với nàng.
“Tôi là Bà Marne ngày xưa đây,” nàng đáp. “Đừng nghe họ.”
Sự chú ý của bạn, với tư cách Người đọc, giờ đây hoàn toàn tập trung
vào người đàn bà này, đã mấy trang rồi bạn cứ lòng vòng quanh nàng, tôi –
không, tác giả – đã vòng vòng quanh sự hiện diện đầy nữ tính này, đã mấy
trang rồi bạn cứ mong cái bóng dáng đàn bà vẫn thường khoác lấy hình hài
trên trang viết, và chính kỳ vọng của bạn, Người đọc, mới là cái đẩy tác giả
về phía nàng; và cả tôi nữa, mặc dù tôi có những chuyện khác cần nghĩ, thế
mà tôi cứ buông thả mình, nói chuyện với nàng, khơi nên một cuộc trò
chuyện mà tôi nên cắt ngang càng nhanh càng tốt, đặng bỏ đi, biến đi. Chắc
hẳn bạn muốn biết nhiều hơn về chuyện nàng trông ra sao, nhưng thay vì
vậy chỉ có dăm yếu tố nổi lên trên trang viết, khuôn mặt nàng vẫn bị khói và
mái tóc nàng che mất, bạn hẳn cần hiểu thêm liệu đằng sau nét méo xệch cay
đắng của miệng nàng có cái gì không cay đắng và không méo xệch chăng.
“Vậy họ kể những chuyện gì?” tôi hỏi. “Tôi chả biết gì hết. Tôi biết chị
có một cửa hiệu, không có bảng gắn đèn nê ông nào. Nhưng tôi thậm chí chả
biết nó nằm ở đâu nữa kìa.”