Nàng nói cho tôi biết. Đó là một hiệu đồ da, bán va li và mấy món cần
dùng khi đi đây đi đó. Nó không nằm trên quảng trường nhà ga mà ở một
phố nhánh, gần chỗ dốc ngã tư ga hàng hoá.
“Nhưng sao ông lại quan tâm?”
“Tôi ước gì đã tới đây sớm hơn. Giá tới đây sớm hơn, tôi sẽ đi dọc con
phố tối om, tôi sẽ thấy cửa hiệu của chị sáng đèn, tôi sẽ vào trong, tôi sẽ nói
với chị: Nếu chị muốn, tôi sẽ giúp chị hạ cửa chớp.”
Nàng bảo tôi nàng hạ cửa chớp rồi, nhưng nàng phải về lại cửa hiệu để
kiểm hàng, và nàng sẽ ở lại đó đến đêm.
Đám đàn ông trong quán đang trêu cợt và phát lưng nhau. Một cuộc
đánh cá đã được định đoạt: ông bác sĩ đang vào chỗ.
“Tối nay ông cẩm đến muộn. Tôi tự hỏi vì sao.”
Ông bác sĩ bước vào vẫy tay chào tất cả mọi người; cái nhìn của ông
không dừng lại nơi vợ ông, song nhất định là ông nhận thấy có một người
đàn ông đang nói chuyện với nàng. Ông lại chỗ cuối phòng, xoay lưng lại
quầy rượu; ông nhét một đồng bạc vào máy chơi pinball. Giờ thì tôi, kẻ đáng
ra phải làm sao cho đừng để bị ai chú ý, lại bị săm soi, bị chụp ảnh bởi
những cặp mắt mà tôi không thể tự lừa mình là đã thoát khỏi được, những
cặp mắt chả quên bất cứ cái gì và bất cứ ai có liên hệ với đối tượng của lòng
ghen và nỗi đau. Những con mắt dơi nặng nề, hơi mọng nước kia là đủ để
tôi nhận ra rằng tấn kịch giữa hai người chưa kết thúc: ông ta vẫn tiếp tục
đến quán này mỗi tối để nhìn thấy nàng, để lại mở vết thương cũ ra lần nữa,
có lẽ cũng đã biết tối nay ai sẽ đưa nàng về nhà; còn nàng tới quán này mỗi
tối chắc là để cố tình làm ông đau khổ, cũng có lẽ nàng mong rằng thói quen
đau khổ sẽ trở thành một thói quen cho ông ta như mọi thói quen khác, rằng
nó rồi sẽ nhuốm hương vị của cái trống rỗng đã đóng bánh lại quanh miệng
nàng và cuộc đời nàng bao nhiêu năm qua.
“Điều tôi thích nhất trên đời,” tôi nói với nàng, bởi đến lúc này thì hẳn
tôi có thể cứ tiếp tục trò chuyện với nàng, “làm cho đồng hồ chạy ngược
lại.”