Tiểu thư Zwida tỏ ra đồng ý ngay lập tức: nàng nói, đối tượng nàng sẽ
vui lòng vẽ nhất là một trong mấy cái mỏ neo nhỏ có bốn đầu càng, được gọi
là “neo móc”, mấy chiếc thuyền đánh cá hay dùng. Nàng chỉ cho tôi thấy vài
cái khi chúng tôi đi qua những chiếc thuyền buộc vào bến tàu, và nàng giải
thích cho tôi về nỗi khó khăn cho kẻ nào muốn vẽ được bốn cánh ngạnh đó
dưới nhiều góc độ và phối cảnh khác nhau. Tôi hiểu rằng vật đó hàm chứa
một thông điệp gửi cho tôi, và tôi cần giải mã nó: cái mỏ neo, sự cổ vũ tôi
hãy gắn mình vào, bám lấy, đào sâu xuống, chấm dứt tình trạng trôi nổi của
tôi, cái trạng thái nằm mãi trên bề mặt. Nhưng cách giải nghĩa này vẫn có
chỗ để hoài nghi: đây cũng có thể là một lời mời nhổ neo, lên đường hướng
ra biển lớn. Có cái gì đó nơi hình dáng cái neo móc, bốn răng nhọn cong như
lưỡi câu, bốn cánh tay sắt mòn vẹt vì cứ miết trên nền đá dưới đáy biển, nó
cảnh báo tôi rằng không có một quyết định nào mà không có sự xé lòng và
đau khổ. Thế nhưng, tôi có thể nhẹ lòng rằng đây không phải cái neo nặng
trịch, thứ để đi biển, mà là một cái neo nhỏ, nhẹ: vì vậy đâu phải người ta
đang yêu cầu tôi chối bỏ sự phóng khoáng của tuổi trẻ, mà chỉ là hãy lần lữa
đôi chút, hãy ngẫm nghĩ, hãy làm phát ra thành tiếng cái bóng tối ở bên
trong tôi.
“Muốn vẽ được vật này tùy ý mình từ mọi góc độ thì tôi phải có một
cái, nghĩa là sao cho tôi có thể giữ nó luôn bên mình và quen dần với nó,”
Zwida nói. “Theo anh thì liệu tôi có thể mua một cái của ngư dân không?”
“Mình có thể hỏi xem,” tôi nói.
“Sao anh không thử mua một cái? Tôi không dám tự mình mua, bởi vì
một thiếu nữ dân thành phố mà lại tỏ ra quan tâm đến một dụng cụ thô lậu
của dân chài thì sẽ khiến người ta thắc mắc.”
Tôi thấy mình đang thực hiện hành vi đưa cho nàng cái neo móc bằng
sắt như thể nó là một bó hoa: cái hình ảnh đó – trong sự phi lý của nó – có
cái gì đó chối tai, dữ tợn. Nhất định là có một ý nghĩa ẩn giấu trong đó mà
tôi chưa bắt được; và, hứa sẽ bình tâm nghiền ngẫm chuyện đó, tôi nói vâng.