Mụ giơ nắm đấm nhỏ xíu héo quắt vàng khè, nhăn nheo như hạt dẻ lên dứ về
phía chúng tôi, tay kia mụ nắm lại tì lên mặt đá để giữ thăng bằng, mồm hét,
“Đả đảo công dân!” hay đúng hơn là “Đả đảo Quý Công dân!” như thể đó là
hai câu rủa, cấp độ tăng dần, và như thể khi gọi chúng tôi là công dân mụ
coi như chúng tôi bị rủa hai lần, rồi sau đó là một từ trong tiếng địa phương
có nghĩa là “dân nhà thổ” và cũng nghĩa gì đó kiểu như “Sắp kết thúc rồi”;
nhưng ngay lúc đó mụ nhận ra bộ quân phục của tôi, liền im bặt, cúi đầu.
Tôi thuật lại tình tiết này cặn kẽ, đầy đủ chi tiết bởi vì – không phải
ngay lập tức, mà về sau – nó được coi là điềm báo cho tất cả những gì sắp
xảy ra, và cũng bởi tất cả các hình ảnh của thời kỳ đó đều phải băng qua
trang giấy giống như đoàn xe quân sự băng qua thành phố (thậm chí dù mấy
chữ “xe quân sự” gợi nên những hình ảnh có phần thiếu rõ ràng; chẳng phải
là điều dở nếu có một chút nào đó bất định trong không khí, thích hợp với sự
rối bời của thời kỳ đó), tỉ như mấy tấm biểu ngữ bằng vải bạt chăng từ một
tòa nhà sang tòa nhà kề cận nhằm kêu gọi công dân cho Nhà nước vay tiền,
như những cuộc tuần hành của công nhân do các công đoàn kình địch nhau
tổ chức nên lộ trình của hai bên không được trùng nhau, một bên biểu tình
ủng hộ việc tiếp tục vô thời hạn cuộc đình công của các công xưởng quốc
phòng của Kauderer, bên kia thì yêu cầu chấm dứt đình công nhằm trang bị
vũ khí cho nhân dân chống lại những đạo quân phản cách mạng sắp sửa bao
vây thành phố. Tất cả các tuyến chéo giao cắt nhau này sẽ xác định khoảng
không gian cho chúng tôi di chuyển: tôi với Valerian và Irina, nơi câu
chuyện của chúng tôi có thể xuất hiện từ chỗ chẳng có gì, tìm ra một điểm
xuất phát, một hướng đi, một cốt truyện.
Tôi đã gặp Irina vào ngày mặt trận sụp đổ, ở cách Cổng Đông chưa đầy
mười hai cây số. Trong khi dân quân – là những cậu nhóc dưới mười tám
tuổi và người già thuộc lực lượng dự bị – đang chiếm lĩnh vị trí xung quanh
các tòa nhà thấp của Lò sát sinh – một nơi mà ngay cái tên cũng đã nghe như
điềm gở, tuy rằng gở cho ai thì lúc ấy chúng tôi chưa biết –, thì một dòng lũ
người tràn qua Cầu Sắt để rút lui vào thành phố. Những bà nhà quê đầu đội
rổ, từ trong rổ có mấy con ngỗng thò ra, mấy con lợn sợ cuống cuồng chạy