Nàng không đáp. Tôi nói thêm, “Trừ phi chính sự phản kháng hoàn
toàn của họ giữ cho họ không thay đổi. Có phải đó là trường hợp của cô?”
“Tôi… Anh nói tôi nghe trước đã: theo anh thì anh đã thay đổi bao
nhiêu?”
“Không nhiều lắm. Tôi nhận thấy mình còn giữ được một số điểm danh
dự của thời trước: níu lấy một phụ nữ sắp ngã chẳng hạn, mặc dù ngày nay
chẳng ai nói cảm ơn anh.”
“Chúng ta ai cũng có những giây phút yếu đuối, đàn ông lẫn đàn bà, và,
Trung úy ạ, chẳng phải là không thể có chuyện tôi sẽ có cơ hội đáp lại sự tử
tế của anh ban nãy.” Giọng nàng có nhuốm chút gay gắt, có lẽ là cả oán
giận.
Đến chỗ này thì cuộc đối thoại – vốn đã thu hút toàn bộ sự chú ý vào
chính nó, hầu như khiến người ta quên đi sự biến nhãn tiền của thành phố –
có thể ngưng ngang; các xe quân sự thường tình lại băng qua quảng trường
và qua trang sách, cách ngăn hai chúng tôi, nếu không thì những hàng dài
phụ nữ thường tình bên ngoài các cửa hiệu hoặc những đoàn biểu tình
thường tình của công nhân mang biểu ngữ. Irina giờ đã đi xa, chiếc mũ gắn
bông hồng của nàng trôi trên một biển mũ ca lô xám, nón cối, khăn tay, tôi
cố dõi theo nàng, nhưng nàng không ngoái lại.
Vài đoạn văn nối tiếp theo, đầy dẫy họ tên các vị tướng và dân biểu, thì
liên quan đến trận pháo giàn và cuộc rút lui khỏi tiền tuyến, về những chia rẽ
và hợp nhất giữa các phe phái có người đại diện trong Ủy ban, điểm thêm
những phụ chú về khí hậu: mưa rào, băng giá, hướng mây, bão gió từ
phương Bắc tới. Tất cả điều đó dù có thế nào thì cũng chỉ là cái khung cho
các tâm trạng của tôi: sự buông mình đầy hân hoan theo làn sóng các sự
kiện, hay là sự rút lui vào trong bản thân tôi, như thể tập trung mình vào một
dự đồ ám ảnh, như thể mọi thứ quanh tôi chỉ là để ngụy trang tôi, che giấu
tôi, như mấy công sự phòng thủ bằng túi cát đang được xây lên hầu như bốn
phía xung quanh (thành phố trông như đang chuẩn bị cho trận chiến từ phố
này sang phố khác), các hàng rào mà hằng đêm những người chuyên dán