biểu ngữ của nhiều phe phái khác nhau đem những bản tuyên cáo dán lên,
rồi thì các bản này lập tức bị mưa ngấm ướt sũng và đâm ra không đọc được
do giấy hút nước và do loại mực rẻ tiền.
Mỗi lần đi qua tòa nhà nơi tọa lạc Ủy ban Công nghiệp nặng tôi đều tự
nhủ: Hôm nay mình sẽ đi tìm bạn Valerian của mình. Tôi đã nhắc đi nhắc lại
câu này với chính mình từ ngày tôi đến. Valerian là bạn thân nhất tôi có ở
thành phố này. Nhưng lần nào tôi cũng khất lại không đi thăm cậu ấy, vì một
vài nhiệm vụ quan trọng nào đó mà tôi phải đảm đương. Thế nhưng hẳn
người ta sẽ nói là tôi được hưởng một thứ tự do không bình thường đối với
một quân nhân tại ngũ: tính chất của chức năng nhiệm vụ tôi không thật rõ
ràng; tôi đến rồi đi từ văn phòng này đến văn phòng nọ của các ban tham
mưu; chẳng mấy khi người ta gặp tôi ở doanh trại, như thể tôi chẳng thuộc
hẳn vào một đơn vị nào; đã vậy tôi cũng chẳng hề dính chặt vào bàn giấy.
Không như Valerian, kẻ không bao giờ nhích khỏi bàn giấy. Cái hôm
tôi đi lên để tìm cậu ta, tôi gặp cậu ở đó, nhưng cậu chẳng có vẻ gì đang cần
mẫn làm nghĩa vụ của chính quyền: cậu đang lau súng lục. Cậu cười khùng
khục vào bộ râu lởm chởm khi trông thấy tôi. Cậu nói, “Vậy cả cậu cũng rơi
vào cái bẫy này nốt, cùng với chúng tớ.”
“Hay là cho kẻ khác vào bẫy,” tôi đáp.
“Bẫy thì luôn luôn cái này nằm trong cái kia, và tất cả đều đóng sập
cùng một lúc.” Dường như cậu muốn cảnh báo tôi về điều gì đó.
Tòa nhà nơi đặt các trụ sở ủy ban từng là cơ ngơi của một tay trục lợi
nhờ chiến tranh và gia đình hắn; nó bị cách mạng trưng dụng. Dăm món đồ
hào nhoáng xa hoa còn sót lại lẫn chung vào với những vật dụng tẻ ngắt của
chỗ quan liêu bàn giấy; phòng làm việc của Valerian chật ních những món
trang trí kiểu Tàu dành cho chốn phòng khuê: bình lọ có vẽ rồng, tráp sơn
mài, một bình phong bằng lụa.
“Cậu muốn bẫy ai trong cái chùa này hả? Một hoàng hậu Đông phương
chắc?”