nhìn thế giới, mà chỉ để ta quan sát sự lớn dần của nó, như một cái cây, một
sự xoắn xuýt vào nhau như của cành và lá…”
Ở điểm này bạn lập tức đồng ý với nàng; để lại sau lưng mình những
trang sách bị xé nát tươm bởi sự phân tích đầy trí tuệ, bạn mơ phát hiện lại
được trạng thái đọc tự nhiên, thơ ngây, nguyên sơ…
“Mình phải tìm lại sợi chỉ đã mất,” bạn nói. “Mình tới nhà xuất bản
ngay bây giờ đi.”
Thì nàng nói, “Không cần thiết cả hai chúng mình đối mặt với họ. Anh
đi, về kể lại em nghe.”
Thế này thì dở quá. Cuộc săn lùng này làm bạn hưng phấn là bởi bạn
theo đuổi nó cùng với nàng, bởi cả hai có thể trải qua nó cùng nhau và bàn
về nó trong khi cùng trải qua nó. Vậy mà giờ đây, ngay khi bạn ngỡ mình đã
đạt được sự đồng thanh tương ứng với nàng, một mối thân tình, không hẳn
vì bây giờ bạn với nàng gọi nhau bằng anh và em, mà bởi bạn cảm thấy bạn
với nàng như một đôi đồng phạm trong một sự vụ mà có lẽ chẳng ai khác có
cơ hiểu nổi…
“Sao em không muốn tới?”
“Là vấn đề nguyên tắc.”
“Em muốn nói gì?”
“Có một lằn ranh: một bên là những người làm ra sách, bên kia là
những người đọc sách. Em muốn mãi là một trong những người đọc sách,
cho nên em luôn luôn cẩn thận giữ mình bên phía của mình. Nếu không,
niềm vui đọc vô tư lự sẽ chấm dứt, hay ít nhất là biến thành cái khác, không
phải những gì em muốn. Lằn ranh ấy, nó mơ hồ, dễ bị xóa đi: thế giới những
người dính dáng tới sách theo nghĩa chuyên nghiệp ngày càng đông và có xu
hướng tự nhập vào làm một với thế giới những người đọc sách. Dĩ nhiên,
độc giả cũng ngày càng đông hơn, song dường như những kẻ dùng sách này
đặng làm ra sách khác đang ngày càng đông hơn những ai chỉ thích đọc sách
và chỉ thế thôi. Em biết rằng nếu vượt qua ranh giới đó, dù chỉ như một