trưa. Đã vài tháng này, cha đi theo lộ trình ấy mà mồm nhẩm đọc câu văn
do chính cha sáng tác ra vào lần con quỉ xuất hiện trước cha lần cuối cùng.
Một ngày thứ Bảy – chín ngày sau khi bắt đầu xảy ra hiện tượng chim
chết – cha Antôniô Isaben đi ra nhà ga khi một con chim sắp chết rơi xuống
ngay dưới chân cha ở trước nhà bà Rêbêca. Một tia chớp minh mẫn lóe lên
trong đầu cha và cha hiểu ngay rằng khác với những con khác, con này có
thể cứu sống được. Hai tay cha cầm lấy con chim và gọi cửa nhà bà Rêbêca
vào đúng lúc bà cởi chiếc cooc-xê để ngủ trưa.
Ở trong phòng mình, bà quả phụ nghe thấy tiếng gõ cửa và cẩn thận đưa
mắt nhìn ra các tấm lưới sắt. Đã hai ngày nay rồi không có lấy một con
chim nào chui vào phòng. Nhưng tấm lưới che cửa vẫn bị thủng. Bà đã cho
rằng việc ngăn chặn chim chui vào phòng để chết là một sự tiêu tốn vô ích
khi mà cuộc tấn công ấy từng khiến bà giận phát run lên chưa chấm dứt. Bà
nghe tiếng gõ cửa lẫn tiếng quạt điện kêu vo vo. Và bà lo lắng nghĩ rằng
Achênia đã ngủ trưa ở phòng cuối cùng ngoài hành lang. Bà đã không dám
hỏi xem ai dám tự tiện gõ cửa nhà bà không đúng lúc như thế này. Bà đóng
lại cúc yếm ngực, bước qua cửa có lưới che, bà thẳng lưng đi dọc theo hành
lang, bước qua căn phòng bày đủ bàn ghế và các đồ trang trí, rồi trước khi
mở cửa, qua lưới sắt bà thấy cha Antôniô Isaben đứng ở ngoài đó: lặng lẽ,
mắt cụp xuống, với một con chim trên hai tay, nói: “Nếu vẩy cho nó một ít
nước và sau đó để nó vào vỏ một quả bí, ta tin rằng nó sẽ khỏe lại”. Vào lúc
mở cửa, bà Rêbêca cảm thấy mình chết ngất vì sợ.
Cha ở đấy không quá 5 phút. Bà Rêbêca tưởng rằng bà là người đã rút
ngắn cuộc gặp gỡ. Nhưng trên thực tế, cha mới là người chủ động. Nếu bà
quả phụ chịu suy nghĩ trong khoảnh khắc ấy hẳn bà sẽ biết ngay rằng trong
ba mươi năm sống ở làng này không bao giờ cha ở lại quá 5 phút ở nhà bà.
Cha cảm thấy rằng đồ dùng bừa bộn trong phòng khách thể hiện rõ ràng
bất kể quan hệ họ hàng với Đức Giám mục, tuy xưa cũ nhưng ai cũng biết.