- Lúc đó hắn đi về phía ta – Cha nói. Lần này cha nghe rõ giọng nói
thuyết phục và cảm động của chính mình – Hắn đi về phía ta và hắn có đôi
mắt hạt huyền, bộ lông bù xù và mùi của một con dê đực. Ta giơ cao cánh
tay lên, nhân danh Chúa của chúng ta để lên án tội ác của hắn và nói: “Hãy
dừng lại. Chưa bao giờ ngày chủ nhật là ngày tốt đẹp để làm lễ hiến sinh
một chú cừu đực cả”.
Khi cha kết thúc bài thuyết giảng, cơn nóng bắt đầu. Cơn nóng hầm hập,
oi ả, của tháng tám ấy là không thể nào quên. Nhưng cha Antôniô Isaben
không hề biết đến cơn nóng. Cha biết rằng ở đấy, sau lưng mình, một lần
nữa dân làng đứng đó, yếu đuối, sợ đến so hai vai lại trước bài thuyết
giảng, nhưng cha chẳng hề vui vì cái đó. Cha cũng chẳng hề vui với cảnh
tượng tiếp theo mà rượu đã làm dịu giọng cha. Cha cảm thấy khó chịu và
bức bối. Cha cảm thấy bàng hoàng và không thể tập trung trong thời điểm
sáng giá của đức hy sinh. Từ lâu rồi điều đó đã xảy ra với cha, nhưng giờ
đây nó là một niềm vui khác hẳn bởi vì ý tưởng của cha đang bị treo lơ
lửng trước một nỗi lo cụ thể. Lần đầu tiên trong đời mình lúc này cha mới
biết đến niềm kiêu hãnh. Và như cha đã từng nghĩ và định danh nó trong
các bài thuyết giảng của mình, cha cảm thấy niềm kiêu hãnh là một nỗi
nghiệt ngã như cơn khát. Lấy hết sức bình sinh, cha đóng lại bàn thờ và
nói:
- Pitagôra hỡi!
Người hầu lễ, một đứa trẻ đầu cạo nhẵn bóng, con nuôi của cha Antôniô
Isaben và đã được cha đặt tên cho, đi đến gần bàn thờ.
- Hãy đi thu tiền bố thí – Cha nói.
Cậu bé chớp mắt, quay một vòng tròn, rồi sau đó nói bằng một giọng hầu
như không nghe thấy rõ: