giờ 20 khi anh ta vừa mở cửa gian bán lòng. Anh ta không hiểu tại sao anh
em nhà này lại đến cửa hàng vào ngày thứ Hai, tại sao lại đến sớm thế, lại
vẫn diện đồ dạ thẫm mặc trong đám cưới hôm trước. Phaustinô thường gặp
hai anh em sinh đôi đến cửa hàng vào thứ Sáu, nhưng bao giờ cũng muộn
hơn giờ này, bao giờ cũng đeo tạp-dề bằng da dùng khi mổ lợn. Phaustinô
nói với tôi: “Lúc đó tôi nghĩ hai anh em nhà này say quá, đến độ không
những chỉ nhầm giờ mà lẫn cả ngày”. Anh mới nhắc họ hôm nay là ngày
thứ Hai.
Pablô Vicariô liền đáp bằng kiểu rất độc đáo của anh ta: – Ai chả biết
hôm nay là ngày thứ Hai, hở nỡm. Chúng mình đến mài dao thôi.
Họ quay đá mài dao như vẫn thường làm: Pêđrô cầm hai con dao áp sát
vào viên đá mài, Pablô thì quay, hòn đá quay tít. Vừa mài họ vừa nói
chuyện cùng mấy bạn hàng thịt về sự linh đình của đám cưới vừa qua. Một
vài người than phiền chưa nhận được phần bánh cưới, mặc dầu là bạn cùng
nghề với hai anh em Vicariô; hai anh em nhà này hứa sẽ gửi biếu họ sau.
Họ mài con dao kêu như hát trên vòng đá mài, cuối cùng Pablô đưa lưỡi
dao lại gần đèn làm cho lưỡi thép loé sáng lóng lánh.
Anh ta nói: – Chúng tớ đi giết Santiagô Nasar đây.
Hai anh em nhà này từ trước vẫn nổi tiếng là những người hiền lành cho
nên không một ai chú ý đến câu nói ấy của họ. Một số bạn hàng thịt, cũng
như Vichtôria Gútxman và một số người trông thấy hai anh em Vicariô đều
nói: “Chúng tôi cho rằng hai anh em nhà này lúc đó là hai bị rượu say
mềm”. Đôi lần tôi hỏi rằng nghề giết thịt súc vật có tạo ra cái ý thức để dễ
dàng giết một con người, mọi người hàng thịt đều phản đối: “Khi giết thịt
một con bò người ta không dám nhìn thẳng vào đôi mắt nó”. Một trong số
người hàng thịt mà tôi hỏi trả lời rằng anh ta không bao giờ dám ăn một
miếng thịt con vật do chính tay anh ta mổ. Một người khác nói rằng anh ta