không có khả năng mổ thịt một con bò cái mà trước anh đã nuôi nó hoặc
uống sữa nó. Tôi nhắc cho họ nhớ rằng anh em nhà Vicariô đã mổ những
con lợn mà chính anh em họ nuôi, những con vật thân quen đến đỗi biết
phân biệt được con này với con khác bằng tên gọi. “Điều đó đúng đấy –
một người trả lời tôi – nhưng anh hãy để ý, họ có đặt tên người cho lợn đâu
mà đặt bằng tên những loài hoa”. Phaustinô là người duy nhất nhận thấy
một chút ánh sáng về sự thật trong lời đe doạ của Pablô Vicariô nên đã hỏi
đùa anh làm sao mà phải giết Santiagô trong khi có nhiều tên giàu có đáng
phải chết trước.
Pêđrô Vicariô trả lời:
- Santiagô Nasar biết vì sao.
Phaustinô kể với tôi rằng lúc ấy anh ta rất phân vân nhưng sau đó mấy
phút đã báo ngay tin đó cho một nhân viên cảnh sát rẽ vào hàng anh mua
nửa cân gan để làm bữa điểm tâm cho ông thị trưởng. Theo như trong hồ sơ
bản án, người nhân viên ấy tên gọi Lêanđrô Parnôi, đã chết năm sau đó bởi
một vết bò tót húc vào giữa cổ họng trong lễ khởi công một công trình từ
thiện. Vì vậy tôi không gặp được để nói chuyện với anh ta, nhưng Clôtinđê
Armanta khẳng định với tôi anh là người đầu tiên gặp hai anh em nhà
Vicariô đương chờ ở cửa hàng của bà.
Clôtinđê Armanta vừa mới ra trông hàng thay ông chồng. Theo lệ thông
thường cửa hàng bà bán sữa buổi sáng sớm, ban ngày bán thức ăn, từ sáu
giờ chiều trở đi biến thành quán rượu. Clôtinđê Armanta thường mở cửa
bán hàng vào lúc 3 giờ 30 sáng. Chồng bà, Đôn Rônêliô Đê La Phlo, trông
coi cửa hàng khi đã biến thành quán rượu cho đến lúc đóng cửa. Nhưng
đêm trước có nhiều khách hàng ở đám cưới rẽ vào nên quá 3 giờ sáng ông
đi ngủ nhưng vẫn để mở cửa cho Clôtinđê Armanta trông. Sáng đó bà dậy
sớm hơn thường lệ vì bà muốn bán xong sữa trước khi Hồng y giáo chủ tới.