chiến bằng thép của một lưỡi cưa to bản. Lúc đó loại dao sản xuất ở Đức
không nhập được. Con thứ hai ngắn hơn nhưng to bản hơn và lưỡi cong. Có
lẽ vì không tả nổi hình dáng con dao bằng lời. Viên thẩm phán điều tra đã
vẽ hình dáng nó trong tập hồ sơ, cộng thêm một dòng chữ ghi bừa rằng nó
gần giống như một lưỡi gươm nhỏ. Người ta đã gây ra án mạng bằng hai
con dao thô sơ, mòn rỉ đó.
Phaustinô Santốtx không thể hiểu được việc vừa xảy ra. “Hai anh em nhà
Vicariô lại đến mài dao lần nữa – anh nói với tôi. – Họ lại còn gào tướng
lên cho mọi người biết là họ sẽ đi moi ruột Santiagô Nasar. Nghe thấy vậy
tôi vẫn tưởng hai anh em nhà này đương say khướt, chả là tôi không để ý
đến hai con dao, vẫn tưởng hai con dao đã mài lúc trước”. Bà Clôtinđê
Armanta nhận thấy ngay từ lúc họ vừa quay lại là hai anh em họ đã không
còn cái vẻ quyết tâm như trước.
Đúng thực hai anh em họ cũng đã bắt đầu có sự không nhất trí. Hình
thức bên ngoài họ rất giống nhau nhưng bên trong hai anh em họ tính tình
rất khác nhau, nhất là trong những lúc khẩn cấp tính tình họ càng trái ngược
nhau rõ rệt. Ban bè của hai anh em nhà này đã sớm nhận thấy điều đó từ
thuở còn học với nhau ở trường tiểu học. Pablô sinh trước em 6 phút, đến
lớn vẫn giàu tưởng tượng và cương quyết hơn người em. Pêđrô Vicariô,
theo tôi, nặng về tình cảm hơn và cũng có vẻ mệnh lệnh hơn. Đến năm hai
mươi tuổi cả hai cùng đi nghĩa vụ quân sự nhưng Pablô được miễn, được ở
nhà trông nom gia đình. Pêđrô làm nghĩa vụ quân sự được mười một tháng
trong đội tuần tra canh gác trật tự công cộng. Chế độ quân ngũ nghiệt ngã
cộng với nỗi sợ chết tạo cho anh ta cái khuynh hướng thích chỉ huy và thói
quen quyết định hộ người anh. Trở về nhà với bệnh lậu kén, căn bệnh bất
trị không chịu lùi bước trước tất cả các phương thuốc tàn bạo nhất của quân
y và các mũi tiêm có chất thạch tín hoặc các món tẩy độc bằng thuốc tím
của bác sĩ Điônisiô Igoaran. Chỉ có trong nhà tù căn bệnh ấy mới được
chữa khỏi. Tất cả những ai bạn bè của anh em nhà này đều thống nhất với