và không một phút nản lòng cô ta tiếp tục đợi ba năm liền cho đến khi
Pablô Vicariô ra khỏi nhà tù và trở thành người chồng suốt đời của cô.
Cô nói với họ: – Các anh cẩn thận nhé.
Không phải Clôtinđê Armanta không có lý khi nói bà thấy hai anh em
sinh đôi nhà Vicariô quay lại không còn dáng quyết tâm như trước nữa. Bà
liền bưng ra cho họ một chai Gorđôlôbô cực nặng mong rằng chai rượu có
thể đánh gục họ. Bà kể với tôi: “Ngày hôm đó tôi mới hiểu được rõ cái cô
quạnh của phụ nữ chúng tôi trên cõi đời này”. Pêđrô hỏi mượn bà bộ dao
cạo của ông chồng. Bà đã đem cho anh ta mượn bàn chổi, xà phòng, gương
treo và bàn dao cạo kèm một lưỡi dao mới tinh, nhưng anh ta lại cạo bằng
con dao mổ lợn. Clôtinđê Armanta thầm nghĩ việc đó đã biểu lộ đến tột độ
tính chất đàn ông của anh ta. Bà kể với tôi: Hắn thật giống tên giết người
trong phim ảnh”. Còn anh ta về sau có cho tôi biết trước kia ở trong trại
lính anh đã học cạo mặt bằng dao thợ cạo, cho nên sau đấy không thể cạo
mặt bằng bàn dao bào được. Riêng Pablô cạo một cách bình thường bằng
bàn dao cạo mượn của ông chồng bà Clôtinđê. Sau đó họ im lặng ngồi uống
rượu, mắt ngắm nhìn chiếc cửa sổ không ánh đèn ở căn nhà phía bên kia
quảng trường, dáng ngẩn ngơ cua người dậy sớm. Trong khi đó nhiều
khách hàng giả vờ đến mua sữa và hỏi những thức ăn ở đó không có bán,
cốt để nhìn xem có đúng hai anh em nhà Vicariô đương đợi để giết
Santiagô Nasar.
Hai anh em nhà Vicariô không trông thấy ánh đèn ở cửa sổ ngôi nhà mà
họ ngồi theo dõi. Santiagô Nasar về nhà từ tức 4 giờ 20 nhưng không cần
bật đèn cũng lên tới phòng ngủ bởi ngọn đèn ở cầu thang vẫn để sáng suốt
đêm. Trong bóng tối anh ta soài xuống giường, không cả cởi quần áo, vì chỉ
còn một tiếng đồng hồ để ngủ cho đến khi Vichtôria Gútxman lên đánh
thức anh dậy để đi đón Hồng y giáo chủ.