Nhưng vào khoảng giữa trưa, chả ai biết do đâu lũ chó lại xổng ra và xông
xộc lao vào trong nhà. Plasiđa, lần đầu tiên không giữ được bình tĩnh, thét
lên:
- Lũ chó cứt đái này, hãy giết hết đi!
Lệnh đó được thi hành ngay lập tức và căn nhà trở lại yên lặng, không
còn phải lo cho tử thi nữa. Khuôn mặt Santiagô vẫn giữ nguyên vẻ như khi
anh ta đương hát, và Cristô Bêđôda đã cho ruột anh ta vào bụng rồi quấn
chặt bằng một mảnh băng vải thô. Đến chiều, từ những vết thương bắt đầu
rỉ ra một thứ nước màu nước hàng, kéo theo ruồi nhặng đến và một vết
loang màu tím thẫm hiện quanh miệng rồi lan dần như bóng mây trên mặt
nước, cho đến tận chân tóc. Khuôn mặt từ xưa vẫn độ lượng giờ mang vẻ
hằn thù khiến bà mẹ anh phải lấy một tấm khăn phủ kín. Ông đại tá Apôntê
lúc đó thấy không thể chờ được nữa bèn ra lệnh cho cha Amađor thi hành
mổ khám tử thi. Ông nói: “Thà thế còn hơn, chôn rồi sau một tuần lễ lại bới
lên còn tồi tệ gấp bội”. Cha xứ trước đã hành nghề thuốc và mo xe ở
Salamanca, nhưng sau vào nhà tu, không tốt nghiệp cho nên ông thị trưởng
cũng biết rằng việc mổ khám tử thi của cha thiếu giá trị pháp lý. Mặc dù
vậy ông cũng cứ bắt cha phải thực hiện mệnh lệnh.
Thực đúng một cuộc băm vằm trong ngôi nhà của trường học mà cha
Amađor phải thực hiện. Ông dược sĩ giúp cha ghi những nhận xét, còn phụ
mổ do một sinh viên y năm thứ nhất đương nghỉ hè ở thị trấn. Họ chỉ có
trong tay mấy thứ dụng cụ dùng cho những ca phẫu thuật nhỏ, ngoài ra phải
dùng thêm dao kéo của thợ thủ công. Nhưng về những vết thương của tử
thi, báo cáo của cha Amađor có vẻ chính xác, nên viên quan toà điều tra đã
kèm bản báo cáo đó vào hồ sơ bản án coi như một văn bản có ích.
Trong số nhiều vết thương có bảy vết tử thương. Gan hầu như bị xé đôi
bởi hai vết đâm sâu ở mặt trước. Dạ dày bị bốn vết, một trong những vết