đã xoá khỏi cuộc đời tôi. Cô kêu lên: “Không, tôi không thể... Anh có mùi
y như anh ta”.
Không phải riêng tôi như vậy. Tất cả mọi người đều cảm thấy mùi như
Santiagô Nasar ngày hôm đó. Hai anh em nhà Vicariô cũng cảm thấy mùi
đó trong nhà giam mà ông thị trưởng tạm cho giữ họ để chờ xét hỏi. Pêđrô
Vicariô kể với tôi: “Tôi ra sức dùng giẻ rách và xà phòng kỳ cọ mà không
làm sao mất được cái hơi đó”. Hai anh em họ ba đêm liền không ngủ được,
cứ vừa chợp mắt y như lại thấy đương đâm chém. Pablô Vicariô, bây giờ
hầu như đã già, bằng vẻ không sốt sắng đã giải thích cho tôi biết tâm trạng
của anh ta cái ngày ấy: “Thật cứ như lúc nào cũng thức, lúc nào cũng tỉnh
như sáo”. Câu nói của anh khiến cho tôi nghĩ có lẽ nỗi khó chịu nhất của
hai anh em nhà này trong trại giam chính là sự tỉnh táo ấy.
Trong nhà giam rộng mỗi chiều ba mét, có một cửa thông hơi nhỏ bịt
song sắt ở tít cao trên tường, có một cái bô, có nơi rửa ráy, có cái vại con,
gáo múc nước và hai chiếc giường bằng tấm bê tông cốt sắt, trên giải chiếu.
Đại tá Apôntê, người cho xây trại giam đó nói không bao giờ có thể có một
nhà giam nhân đạo đến như thế. Anh Luitx Enrikê công nhận điều ấy: có
một đêm anh bị giam vì một cuộc đánh lộn giữa đám nhạc công với nhau,
ông thị trưởng đã nhân hậu cho phép anh được mang theo vào nhà giam cả
cô gái chơi cặp kè với anh lúc đó. Có thể hai anh em nhà Vicariô cũng công
nhận điều đó vào lúc 8 giờ sáng, khi họ thấy ở trong nhà giam, họ đã chắc
chắn thoát khỏi sự trả thù của bọn người Ả-rập. Bấy giờ sự tự thoả mãn đã
hoàn thành luật lệ của mình như đã bồi dưỡng sức lực cho họ. Họ chỉ còn
nỗi băn khoăn duy nhất về cái mùi dai dẳng vẫn đuổi theo họ mãi. Họ xin
rất nhiều nước, xà phòng, mụn vải cố kỳ cọ sạch vết máu ở tay, ở mặt, ở
quần áo. Nhưng họ không làm sao nghỉ ngơi được. Pêđrô hỏi xin thuốc tiêu
độc và lợi tiểu cùng một cuốn gạc để thay băng. Buổi sáng hôm đó anh ta
đã đi tiểu được hai lần, nhưng cuộc đời đối với anh cứ mỗi giờ một thêm
khó chịu, đến nỗi cái mùi dai dẳng kia dần dần rớt xuống hàng khó chịu thứ