anh đã bất lịch sự. Sau sáu tháng, cô đã viết sáu thư mà không nhận được
một chữ trả lời, nhưng cô tự khẳng định những thư cô viết anh ta đều nhận
được.
Lần đầu làm chủ được số phận của mình Anhêla Vicariô khám phá ra sự
thù ghét và tình yêu thật là những niềm say mê tương hỗ. Càng gửi nhiều
thư, ngọn lửa của cơn sốt trong người cô càng mãnh liệt, đồng thời nỗi oán
hận đúng đắn của cô đối với mẹ mình cũng bốc nóng thêm. Cô kể với tôi:
“Cứ trông thấy bà là tôi lộn ruột, nhưng trông thấy bà không thể nào tôi
không nhớ tới anh ta”. Cuộc đời cô dâu bị chồng trả về với mẹ của cô vẫn
tiếp tục trôi giản dị như đời một cô gái chưa chồng, cô vẫn thêu may cùng
các cô bạn gái y như thuở còn làm hoa loa kèn bằng mảnh vải hoặc gấp
chim giấy, nhưng khi mẹ đã vào buồng ngủ cô vẫn thức cho đến tảng sáng
trong phòng khách để viết những bức thư chẳng hy vọng có hồi âm. Cô trở
nên minh mẫn, mạnh mẽ, làm chủ được yêu ghét của mình và trở nên trinh
tiết riêng với anh ta, và không công nhận bất cứ quyền uy nào khác uy thế
của chính mình, và không quỵ luỵ bất cứ một cái gì ngoài cái ám ảnh bởi
anh ta.
Mỗi tuần cô viết một bức thư gửi cho anh ta, liên tục trong khoảng nửa
đời người. “Nhiều khi tôi không thấy có gì để viết nữa – cô cười rũ rượi kể
với tôi – nhưng tôi chỉ cần một điều: anh ta đã nhận được tất cả những lá
thư của tồi, thế đủ rồi. “Lúc đầu toàn những bức thư ngắn đầy hứa hẹn, sau
đến những trang giấy của những người tình lén lút, rồi đến những bức thư
thơm nức của cô gái yêu nhất thời, rồi đến những bức thư xin những cuộc
hội đàm, đến những bức thư chuyện về tình ái và cuối cùng đến những bức
thư hờn giận của một người vợ bị bỏ rơi đương giả vờ ốm nặng để buộc
anh chồng phải trở về. Một đêm vô tình lọ mực đổ xuống bức thư đã viết
xong, đáng lẽ phải xé đi, nhưng thật hài hước, cô lại viết thêm một dòng tái
bút: Để chứng tỏ tình yêu của em, gửi tới anh những giọt nước mắt của em
trong thư! Nhiều khi, đã quá mệt vì khóc, cô tự riễu nỗi điên dại của mình.