Đã sáu lần ở bưu điện thay sáu cô nhân viên, cả sáu lần cô đều tranh thủ
được sự đồng tình của các cô bưu điện. Điều duy nhất khiến cô lưu ý: tất cả
mọi thư gửi đi đều không bị gửi trả lại. Nhưng, anh ta có vẻ như chẳng
động lòng trước tình yêu say mê của cô. Thành ra coi như cô viết để chẳng
ai đọc cả.
Một sớm tinh mơ đầy gió lộng, vào năm thứ Mười, một niềm tin chắc
chắn rằng anh ta đang trần truồng nằm trên giường mình đã đánh thức
Anhêla dậy. Cô viết luôn cho anh ta một bức thư nóng bỏng, dài hai mươi
trang giấy, và cô đã thổ lộ một cách không còn e thẹn những sự thực cay
đắng đến ruỗng trái tim mà cô mang theo từ đêm tang tóc ấy. Cô nhắc đến
những dấu vết vĩnh cửu mà anh đã để lại trong người cô, đến vị mặn của
lưỡi anh, đến những nhịp lửa dồn dập của bộ phận giới tính thuộc dòng
giống châu Phi của anh. Cô trao thư đó cho cô bưu điện, cô gái mỗi buổi
chiều thứ sáu thường đến cùng thêu may rồi mang hộ thư đi. Lần này cô tin
chắc những dòng khuếch trương kết thúc đó sẽ là những vùng vẫy cuối
cùng trong cơn hấp hối của cô. Nhưng cũng không thấy thư trả lời. Từ đó
cô không còn có ý thức về những gì cô viết, và cũng chẳng biết chắc chắn
viết gửi cho ai, xong cô vẫn tiếp tục viết không ngừng mười bẩy năm liền.
Một buổi trưa tháng Tám, trong khi đương thêu may cùng mấy cô bạn
gái, cô cảm thấy có ai đó đến trước cửa nhà. Không cần nhìn cô cũng biết
đó là ai. Cô nói với tôi: “Anh ta béo mập và bắt đầu rụng tóc, bắt đầu đeo
kính lão. Nhưng đó chính anh ta, khỉ ơi, chính anh ta”. Cô hoảng sợ bởi cô
biết anh ta đương nhìn thấy cô bé bỏng đi nhiều quá, cũng như cô đương
nhìn thấy anh như vậy, cô không tin anh ta có được đủ tình yêu như cô để
chịu đựng nổi mối tình của cô. Anh mặc chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi như
hôm cô gặp anh lần đầu tiên trong hội chợ, anh vẫn đeo dây lưng và bao da
đã sờn chỉ trang trí bằng những hoạ tiết bạc. Badađô San Rôman không để
ý đến các cô bạn thêu thùa đang kinh hãi, bước lên một bước, đặt mấy cái
túi da trên chiếc máy khâu. Anh nói: