sao chẳng một ai trông thấy anh vào nhà người yêu. Viên thẩm phán điều
tra cố tìm cho được một người trông thấy anh vào nhà người yêu, ông làm
việc đó kiên trì cũng như tôi, mà vẫn không sao tìm được. Trong tờ số ba
trăm tám mươi hai của tập hồ sơ, ông đã viết một câu nữa ở ngoài lề cũng
bằng mực đỏ: Định mệnh làm cho chúng ta trở nên vô hình. Nhưng sự thực
Santiagô Nasar vào nhà theo cửa chính, trước mắt mọi người, không có
hành động gì ra vẻ không muốn cho ai trông thấy mình. Phlôra Mighên mặt
xanh tái vì giận, mặc bộ áo ngắn thêu diêm dúa thường chỉ mặc trong
những dịp đáng ghi nhớ, ngồi đợi ở phòng khách, khi anh vào liền đặt cái
tráp vào tay anh.
- Tất cả của anh đây – Cô bảo anh – Khéo mà người ta giết đấy.
Santiagô Nasar rất thảng thốt, cái tráp rơi khỏi tay anh ta, và những bức
thư chẳng có tình bay tung trên sàn. Anh định theo Phlôra vào phòng ngủ
nhưng cô đã đóng cửa, cài then. Anh gõ cửa mấy lần và gọi cô bằng giọng
thật khẩn cấp, làm cho cả nhà hốt hoảng ùa tới. Tất cả con, cái, dâu, rể lớn
nhỏ trong nhà hơn mười bốn người. Người tới cuối cùng là Nahir Mighên,
ông bố, với bộ râu đã ngả màu hung, khoác tấm áo choàng có mũ của người
du mục mang từ đất quê hương sang mà bao giờ ông cũng mặc ở trong nhà.
Tôi từng gặp ông ta nhiều lần, một con người to lớn nhưng bủn xỉn, và cái
làm cho tôi chú ý nhất ở ông là cái uy quyền mãnh liệt.
- Phlôra, – ông ta gọi bằng tiếng Ả-rập – Mở cửa ra con.
Ông bước vào phòng ngủ của con gái, trong lúc cả gia đình chăm chú
nhìn Santiagô Nasar. Anh ta đương quỳ trên sàn nhặt những bức thư rải rác
trên nền gạch đặt vào tráp. Về sau họ kể cho tôi nghe: “Thật giống như
trong buổi thú tội”. Nahir Mighên bước ra khỏi phòng ngủ, lấy tay ra hiệu
và tất cả gia đình tức khắc rút vào nhà trong.