Không lâu sau sự kiện “lục trúc”, trong một sớm mùa thu, vị thái tử cao
cao tại thượng, vị tướng quân lừng lẫy uy danh Mạc Quân bỗng dưng biến
mất. Bất chấp mọi nỗ lực tìm kiếm của triều đình, không một ai biết chàng
đã đi đâu, như thể chàng đã tan biến vào trong màn sương mù ngày ấy, theo
gió hoặc mặt trời phiêu du khắp nơi. Sau này nhớ lại, chàng vẫn cảm thấy
những ngày tháng ấy tuyệt diệu vô cùng. Chàng đã đến rất nhiều nơi, gặp
gỡ rất nhiều người, trải qua vô vàn chuyện. Và dù trong một chừng mực
nào đó, chàng vẫn giữ khoảng cách với mọi người, nhưng chàng không còn
lạnh lùng, cao ngạo nữa mà trở nên phóng khoáng hơn, dịu dàng hơn và
nhẫn nại hơn. Chàng thậm chí từng múa lân cùng đám trẻ con một dịp
Trung thu, hoặc ngồi nghe vị tộc trưởng già nua của bộ tộc thiểu số vùng
biển Bắc Hải kể về truyền thuyết hải ngọc... Những năm tháng rong ruổi
trên lưng ngựa đó còn chứng kiến mối nhân duyên kỳ lạ của chàng với đệ
nhất cầm sư La Huy Xuân Tuyết.
Đó là thời điểm hai năm sau ngày chàng bỏ đi, đại hoàng tử lên ngôi lấy
hiệu Mạc Hưng Đế, xuống chiếu gọi chàng về kinh cống hiến cho thiên
triều. Nhưng ở núi Hải Sơn, Mạc Quân đã trở thành đệ tử duy nhất và đắc ý
nhất của La Huy Xuân Tuyết.
Ba năm sau đó, La Huy Xuân Tuyết trao cho chàng cây cổ cẩm Thanh
Vân trứ danh, bỏ lại vẻn vẹn bốn chữ “Đến lúc về rồi”, sau đó nhập thất tu
đạo.
Mạc Quân ôm cây đàn một mình xuống núi, quay về kinh đô Châu An.
Năm đó, chàng hai mươi tư tuổi.
Dấu mốc đặc biệt thứ hai trong đời chàng là với Thiên Anh, diễn ra hai
năm sau đó vào một ngày trung tuần tháng Bảy, trời rất trong và nắng rất
mỏng, khi chàng đã là Hoài Vũ vương - đệ nhất quân sư của Mạc Hưng Đế
và là một truyền kỳ của dân gian - còn nàng chỉ là một linh hồn đến từ thời