“Cậu chọn trường tư bằng cách nào?” tôi hỏi. Có cả tá trường tư,
hằng tuần đều có thêm trường mới mở.
“Tớ đến hội chợ giáo dục. Tớ dò hỏi. RSTC có vẻ tốt hơn những
trường khác một chút. Nhưng tớ không nghĩ có nhiều khác biệt lắm.”
“RSTC là gì?”
“Cao đẳng Kỹ thuật Riddhi Siddhi. Những người chủ sở hữu có cửa
hàng bán váy áo sari cùng tên.”
“Ồ,” tôi nói, cố tìm sự liên quan giữa các bộ sari và giáo dục.
“Tên nghe lạc hậu nhỉ, phải không? Thế nên chúng tớ gọi là RSTC,
nghe khủng hơn.” Vineet cười.
“Cậu có tìm được việc sau khi tốt nghiệp không?”
“Nếu như cậu may mắn. Tỉ lệ kiếm được việc là sáu mươi phần
trăm. Không tệ.”
“Bốn mươi phần trăm sinh viên không tìm được việc làm cơ à?” tôi
hỏi, thấy bị sốc. Như thế còn tệ hơn Kota, tốt nghiệp mà cuối cùng
chẳng có được gì.
“Thống kê đang tốt dần lên mỗi năm. Ngoài ra, cậu còn có thể xoay
xở được vài công việc. Như là các trung tâm điện thoại hỗ trợ hay bán
thẻ tín dụng chẳng hạn. Hãy nghĩ thoáng đi và mọi việc sẽ ổn.”
“Tốt nghiệp kỹ sư mà đi làm cho trung tâm điện thoại hỗ trợ?”
“Anh bạn, đừng có mà sốc thế. Bọn mình, cũng như hàng triệu sinh
viên khác, đều là những kẻ thất bại trong cuộc đua vĩ đại của ngành
giáo dục Ấn Độ. Hãy vui với bất cứ thứ gì mình có. Tất nhiên, nếu bố
mẹ cậu giàu, hãy học MBA sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật. Một
lần thử tìm việc nữa.”
“Nếu bố mẹ không giàu thì sao?” tôi hỏi.
Vineet không nói gì. Bực mình, tôi ném tất cả chỗ sỏi xuống sông
Hằng. Như những sinh viên hạng thấp, những hòn sỏi chìm nghỉm và
biến mất không dấu vết.