NGÀY ĐẸP HƠN SẼ TỚI - Trang 127

14

Hỏa táng dễ dàng, thuận tiện là một lợi thế lớn của việc sống ở

Varanasi. Ngành công nghiệp an táng thúc đẩy cả thành phố. Nhà hỏa
táng điện ở bậc nước Harishchandra và bậc nước Manikarnika, nhà
hỏa táng cũ và hiện vẫn được tôn kính, mỗi năm thiêu gần bốn mươi
lăm ngàn hài cốt, hay hơn một trăm hài cốt một ngày. Chỉ có những trẻ
nhỏ và những người bị rắn hổ mang cắn là không được hỏa táng, xác
họ thường được thả thẳng xuống sông. “Kasyam maramam mukti” câu
thành ngữ tiếng Sankrit này có nghĩa là “chết ở Kashi sẽ được siêu
thoát”. Người Hindu tin rằng nếu chết ở đây họ sẽ tự động được thăng
lên thiên đàng, bất kể đã phạm tội gì dưới trần thế. Thật kỳ diệu làm
sao, cái cách thần linh tung ra lá bài bất ngờ này trước cái chết, và nhờ
đó mà thành phố của tôi có cách kiếm sống.

Các cửa hiệu chuyên biệt cung cấp cho ta đủ các thứ, từ gỗ cho tới

thầy tu và hộp đựng tro để bảo đảm người chết được ra đi đàng hoàng.
Những tay bán hàng dạo ở bậc nước Manikarnika lùa người nước
ngoài đến xem giàn hỏa thiêu và chụp ảnh rồi thu phí, để kiếm thêm
thu nhập. Varanasi có lẽ là thành phố duy nhất trên quả đất nơi cái chết
là một điểm thu hút khách du lịch.

Nhưng dù thành phố của tôi dạn dày kinh nghiệm về cái chết đến

như thế, cá nhân tôi, cả đời lại chưa bao giờ phải đối mặt với một xác
chết, chứ đừng nói đến đó lại là bố tôi. Tôi không biết phải phản ứng
thế nào trước cơ thể bất động của bố. Tôi không khóc, đúng hơn là
không thể khóc được. Tôi không biết tại sao. Có thể vì tôi đã quá
choáng, và cạn kiệt cảm xúc. Có thể tôi chỉ còn lại một ít cảm xúc sau
khi than khóc cho thảm họa thi tuyển lần hai của mình. Có thể tôi có
quá nhiều việc phải làm cho đám tang. Hoặc có thể là vì tôi nghĩ chính
mình đã giết chết ông.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.