việc này. Bác tôi trả tiền người tu sĩ bằng những tờ giấy bạc năm trăm
rupi mới cứng.
Hai mươi bốn tiếng sau, tôi châm lửa đống củi bao bọc thi hài cha
tôi bên bậc nước Manikarnika. Dù ông đã mất, nhưng tôi vẫn cảm thấy
hẳn ngọn lửa phải làm ông đau đớn lắm. Tôi nhớ lúc ông mặc quần áo
cho tôi đi học khi tôi còn bé, chải tóc cho tôi... Khói bốc lên từ giàn
thiêu và cuối cùng thì những giọt nước mắt của tôi cũng đã trào ra. Tôi
khóc nức nở. Aarti và Raghav đến dự tang lễ. Họ đứng với tôi, im lặng
chia buồn.
Nửa tiếng sau phần lớn người thân đã ra về. Tôi nhìn ngọn lửa ăn
dần đống củi.
Tôi thấy ai đó vỗ vai mình. Tôi quay lại. Hai người đàn ông vạm vỡ
có đôi môi dính trầu đứng ngay sau tôi. Một người có cặp ria mép rậm
được vuốt vểnh lên.
“Vâng?” tôi nói.
Người đàn ông có ria mép chỉ giàn thiêu: “Mày là con lão ta?”
“Phải.”
“Tránh ra,” hắn ta nói.
“Sao vậy?” tôi hỏi.
“Lão nợ bọn ta hai trăm ngàn.”
“Bác Ghanshyam muốn trả ba trăm ngàn thôi ạ?” tôi hỏi bác Dubey,
cảm thấy bị sốc.
Ông ta lật giở chỗ giấy tờ đã chuẩn bị cho tôi. “Ký vào đây, cháu sẽ
có ba trăm ngàn. Bọn đòi nợ đang theo cháu. Bọn chúng nguy hiểm
lắm. Bác đang tìm cách giúp cháu đây.”
Tôi xem qua chỗ giấy tờ. Tôi không thực sự hiểu lắm. “Ba trăm
ngàn thì ít quá. Ngày xưa họ trả một triệu,” tôi nói.
“Phải, từ xưa lắm rồi. Hồi mà cha cháu không chịu. Giờ họ biết
cháu không làm được gì. Và cháu lại cần tiền nữa.”