trường y, quản lý khách sạn, học viện hàng không, còn lại là một vài
ngành khác như nghệ thuật.
Tôi đến gian hàng của trường Sri Ganesh Vinayak, viết tắt là SGVC
vào buổi trưa - thời gian và địa điểm hẹn gặp Sunil.
Tôi nhặt một cuốn sách giới thiệu về SGVC có in ảnh những sinh
viên của trường cười tươi trên trang bìa. Các cậu bé có vẻ hạnh phúc
hơn và các cô bé thì có vẻ xinh đẹp hơn cả những học sinh đỗ JEE trên
các cuốn sách giới thiệu ở Kota.
Bìa sau của cuốn sách giới thiệu in những lời ca ngợi cơ sở vật chất
và giảng viên của trường, đủ để khiến cho một hiệu trưởng của IIT
phải đỏ mặt. Bên trong cuốn sách giới thiệu một tờ danh sách ngành
học. Từ khoa học máy tính cho tới luyện kim, SGVC dạy tất cả các
ngành kỹ thuật.
Tôi đọc hết cuốn sách giới thiệu. Tôi đọc tầm nhìn và tuyên bố sứ
mệnh của những người sáng lập. Tôi đọc triết lý giáo dục của trường,
về sự khác biệt của họ. Những cựu binh hội chợ giáo dục khác cười
tươi khi họ đi ngang qua tôi. Có vẻ tôi là người duy nhất thực sự đọc
thứ tài liệu này.
Sunil tìm thấy tôi ở gian hàng của trường Sri Vinayak, đang chăm
chú nghiên cứu.
“Gopal phải không?” anh ta ngập ngừng hỏi.
“Hả?” tôi quay lại. “Anh Sunil?”
Sunil bắt tay tôi thật chặt. Râu ria và kính râm che gần hết mặt anh
ta. Anh ta mặc sơ mi tím và cái quần bò bó chặt với một cái khóa thắt
lưng to tướng bằng bạc. “Cậu đang làm cái quái gì thế?” anh ta hỏi
thẳng thừng.
“Đọc sách giới thiệu,” tôi đáp.
“Cậu có ngu không? Xem cái trang về chi phí và việc làm ấy. Hãy
xem mức lương trung bình, xem phí tổn thế nào. Nếu thu nhập trong
hai năm có thể bù lại được học phí thì tạm chọn nó, còn không thì đi
tiếp.”