“Vì sao?” tôi hỏi.
“Tiền. Trường tư thục kiếm được rất nhiều tiền. Ngoài ra, nó còn
tạo tên tuổi cho họ ngoài xã hội. Giờ thì họ là những quý tộc trong
ngành giáo dục chứ không còn là mấy tay buôn rượu lậu nữa.”
“Họ hành xử như côn đồ.”
“Họ là côn đồ mà. Anh em nhà ấy cãi nhau, tách trường và bây giờ
thì họ đang tìm cách hạ nhau.”
“Em không thể học ở những chỗ đó được,” tôi nói.
“Đừng lo, bọn mình sẽ đưa cậu vào trường khác. Bọn mình sẽ mặc
cả thật lực. Họ phải tuyển đủ sinh viên mà.”
“Chỉ nghĩ đến chuyện học ở những chỗ ấy em đã thấy sợ rồi. Bọn
buôn rượu lậu mà lại điều hành trường học à?”
“Phải rồi, cả chính trị gia, dân xây dựng, dân cuốn thuốc lá
. Bất cứ
ai có kinh nghiệm ngoài chợ đen đều làm ăn rất ổn trong ngành giáo
dục,” Sunil nói. Anh ta hút hết chỗ kem bằng ống hút.
“Thật sao?” tôi hỏi. “Chẳng lẽ không phải chỉ học giả mới mở được
trường hay sao? Như là các cựu giảng viên chẳng hạn?”
“Cậu điên à? Giáo dục không dành cho đội yếu bóng vía. Người ta
xâu xé nhau ở khắp nơi.” Sunil nói. Anh ta rung đùi khi nói chuyện
với tôi. Anh ta móc điện thoại di động ra. Điện thoại di động khi đó đã
bắt đầu phổ biến nhưng vẫn được coi là biểu tượng của địa vị xã hội.
Sunil gọi cho một người có vẻ như đang trong cơn khủng hoảng.
“Bình tĩnh lại đi, ông Chowbey. Ủy viên Shukla đã nhất trí với hội chợ
rồi. Phải, giờ là lúc đóng cửa. Cho chúng tôi hai tiếng nữa... Chờ đã.”
Sunil quay sang tôi. “Kinh doanh sự kiện, lúc nào cũng gấp gáp,” anh
ta hạ giọng nói. “Tôi ra ngoài tí được chứ? Sẽ quay lại ngay.”
“Chắc rồi,” tôi nói.
Tôi ngồi một mình với ly cà phê. Tôi nhìn lướt qua đám đông. Đám
trẻ giàu có mua bánh vòng và bánh quy đắt tiền để ăn với cà phê kem.