“Ai thế?” Aarti hỏi.
“Anh sẽ nói với em sau. Bọn anh đang hoàn thiện kế hoạch.”
“Thật vậy sao?” Aarti hỏi. “Ồ, vậy là anh nghiêm túc ?”
“Phải, có mười lăm mẫu ngay gần thành phố. Nếu bọn anh giải
quyết được tranh chấp và chuyển đổi được mục đích sử dụng, đó sẽ là
chỗ lý tưởng cho một trường cao đẳng,” tôi lặp lại lời của Bedi.
“Chà,” Aarti cười khúc khích. “Anh làm vụ này khủng quá đấy,
Gopal ạ.”
Nàng chỉ có ý đùa, nhưng tôi cũng hơi chạnh lòng. “Sao thế? Em
không nghĩ là anh làm được à?”
“Không phải, em không có ý ấy,” Aarti nói. “Em chỉ... ngạc nhiên.”
“Anh phải làm gì đấy trong đời chứ.”
“Tất nhiên rồi. Anh sẽ làm được hơn là gì đấy ấy chứ. Còn bác anh
thì sao?”
“Bọn anh đang cố gắng hòa giải với ông ấy,” tôi đáp.
Người của Shukla, những tay đòi nợ thuê đã khởi động quá trình
dàn xếp với bác Ghanshyam. Hòa giải không phải là từ có thể dùng để
mô tả phương pháp của họ. Họ đã đến nhà bác tôi ba lần. Lần đầu tiên
họ đổ một chai tiết dê lên ban công trước nhà ông ta. Lần thứ hai họ
đâm nát tất cả xô pha và nệm giường bằng các loại dao khác nhau. Lần
thứ ba, khi cuối cùng cũng mở lời, họ móc súng ra và đề nghị mua lại
phần đất tranh chấp của bác tôi với giá tám trăm ngàn rupi.
Tôi không muốn kể cho Aarti nghe tất cả những chi tiết này.
“Trường cao đẳng gì?” nàng hỏi.
“Kỹ thuật.”
“Hay đấy,” Aarti nói.
“Nếu anh muốn thành người lớn, anh phải làm việc lớn,” tôi nói.
“Anh luôn là người lớn với em, Gopal à. Anh biết tại sao không?”
“Tại sao?”
“Vì anh có trái tim lớn.” Aarti vuốt nhẹ tay tôi trên bàn.