“Anh ấy tin là người ta phải cạnh tranh công bằng và chiến thắng.
Nếu không thì chiến thắng có ý nghĩa gì?” Aarti nói.
“Cuộc đời không phải lúc nào cũng như thế, phải không?” tôi nói,
nhai chậm rãi.
“Em không biết. Nhưng cuộc đời đáng ra phải như thế,” Aarti nói.
“Năm sau anh ấy sẽ lại tranh cử.”
“Cậu ấy có đang cố quá không vậy?” tôi hỏi.
“Có đấy, giữa các khóa học ở trường, tạp chí và bầu cử anh ấy hầu
như chẳng còn thời gian cho em.”
“Và em thích thế?”
“Không, nhưng em không có lựa chọn. Nếu chuyện đó làm anh ấy
vui, thì hãy cứ để như thế đi.”
Chúng tôi ăn xong bữa tối. Món bánh sô cô la được mang ra. Mắt
nàng sáng lên. Nàng kéo đĩa về phía mình. “Đừng có lấy trộm bánh
của em,” Nàng toét miệng cười.
“Raghav thật may mắn khi có em, Aarti à,” tôi nói.
“Cảm ơn,” nàng cười ngượng nghịu.
“Aarti, anh có thể hỏi em một việc không?”
“Gì vậy?” Nàng nhìn tôi, thìa của nàng dừng lại trên cái bánh.
“Không có gì, để lại cho anh ít bánh nếu có thể,” tôi nói và ra hiệu
gọi tính tiền.
Chuông cửa đánh thức tôi dậy lúc nửa đêm. Tôi dụi mắt và mở cửa,
vẫn còn dở thức dở ngủ. Bác tôi, bác gái và con trai họ, Ajay, người
anh họ ba mươi tuổi của tôi đứng ngoài cửa.
“Bác Ghanshyam?” tôi hỏi. “Có chuyện gì vậy? Vào nhà đi.”
Những người họ hàng của tôi ngồi trên chiếc xô pha rách nát ở
phòng ngoài. Họ không nói gì trong suốt năm phút.
“Các bác đến muộn thế này không phải vì nhớ cháu, đúng không
ạ?” tôi hỏi.