“Tôi sẽ tính phí tuyển mộ mười ngàn một người, ngoài tiền lương
của tôi.”
“Được thôi. Khi nào thì ông có thể bắt đầu?” tôi hỏi.
“Bất cứ lúc nào,” ông ta nói. “Tôi sẽ đến trường ba ngày một tuần.”
“Ba ngày thôi?” tôi hỏi lại. “Ông là trưởng khoa của trường. Trường
hoạt động thế nào được nếu thiếu ông?”
“Tôi là trưởng khoa, thế nên mới ba ngày. Nếu không thì chỉ một
lần một tuần là đủ,” ông ta đáp.
“Gì cơ?”
“Có giảng viên nào lại đi dạy cao đẳng tư thục hằng ngày? Đừng lo,
tôi sẽ nói với thanh tra của Ủy ban Toàn Ấn là tôi tới trường hằng
ngày.”
“Nhưng ai sẽ quản lý giảng viên? Ai sẽ đảm bảo các lớp học được
tổ chức đúng giờ và sinh viên được giảng dạy đúng cách?” tôi nói, tim
đập nhanh. Tôi không biết một trưởng khoa của trường đại học hay
cao đẳng có phải làm những thứ đó không.
“Đây là trường tư thục. Chúng ta sẽ xoay xở được. Anh Bedi, nói
cho cậu ta biết cách thức đi,” Shrivastava cười tươi.
Bedi uống nốt cốc trà và gật đầu. “Tất nhiên rồi. Ta sẽ tìm ra cách
sắp xếp giảng dạy và làm những việc khác sau. Bây giờ thì cần tập
trung vào thanh tra, và sau đó là tuyển sinh. Sau đó, sinh viên năm cũ
có thể dạy sinh viên năm đầu. Nhiều trường làm thế rồi.”
Bà Shrivastava dọn bàn. Chúng tôi sang phòng khách.
“Chiến lược tuyển sinh của các anh là gì?” Shrivastava hỏi.
“Chúng tôi đang quảng cáo trên các báo. Tham gia vào hội chợ giáo
dục, tiếp cận với trường phổ thông và các lớp luyện thi,” tôi đáp.
“Tiếp cận trường phổ thông làm gì?” ông ta hỏi.
“Chúng tôi sẽ đến trường phổ thông và giới thiệu về trường của
mình,” tôi trả lời.