Tôi gật đầu. Tôi muốn thi đỗ vào một trường đại học kỹ thuật có
tiếng. Đã nhiều năm bố tôi chưa được nghe một tin tốt lành nào cả.
“Aarti Pradhan!” thầy giáo gọi. Cả lớp quay lại nhìn cô gái mặc bộ
salwar-kameez
trắng, người khiến cho việc đi học phụ đạo tẻ ngắt trở
nên xứng đáng.
Aarti nhận bài làm và cười khúc khích.
“Hai mươi trên tám mươi thì có gì buồn cười?” thầy giáo cau mày.
Aarti lấy tay che miệng và đi về chỗ. Nàng không hề có ý định trở
thành kỹ sư. Nàng tham gia JSR vì: a) giờ đi học phụ đạo có thể thay
thế cho giờ học CBSE
lớp 12 của nàng, b) tôi cũng đăng ký nên nàng
sẽ có bạn và, c) trung tâm phụ đạo không thu tiền của nàng vì bố nàng
là Chánh án tòa án thành phố.
Bố Aarti có tiếng là người liêm khiết. Tuy nhiên phí học phụ đạo
nằm trong phạm vi những ưu đãi có thể chấp nhận được.
“Em còn chả điền gì vào bài làm AIEEE cả,” Aarti thì thầm với tôi.
“Xếp loại AIEEE của tớ chắc sẽ khủng khiếp lắm,” tôi nói với
Raghav trong khi khuấy cốc nước chanh.
Chúng tôi đến hiệu bánh Đức gần bậc nước Narad, một địa điểm du
lịch của người da trắng, nơi họ cảm thấy được an toàn khỏi vi khuẩn
và những người bán hàng rong ở Varanasi. Người ta ngồi trên giường
với những cái khay gỗ để ăn những món của người da trắng như bánh
kẹp và bánh kếp. Hai ông già suy dinh dưỡng chơi đàn sitar ở một góc
để tạo hiệu ứng Varanasi, vì người da trắng thấy đó là một trải nghiệm
văn hóa.
Tôi chưa từng quan tâm nhiều đến chỗ này. Nhưng Aarti thích nó.
“Em thích cách cô ấy dùng khăn cột tóc,” Aarti nói, chỉ một bà
khách du lịch. Rõ ràng là nàng lờ đi những mối lo của tôi về AIEEE.