Chủ hiệu gõ cửa sổ bốt điện thoại. “Cảnh sát sẽ quấy rầy tôi nếu tôi
còn mở cửa.”
“Chú có biết chỗ nào có bốt điện thoại đường dài còn làm việc
không ạ?” tôi hỏi.
“Ngoài ga xe lửa,” chủ hiệu nói. Ông ta tắt biển hiệu.
Không chiếc tuk tuk nào chịu chạy đến ga xe lửa vào giờ này với
giá chấp nhận được. Nếu chạy bộ thì tôi có thể vượt năm cây số trong
nửa tiếng.
Tôi đến sân ga số 1 của ga Kota lúc 1 giờ sáng; thở hổn hển sau khi
chạy bộ năm cây số. Thậm chí vào giờ này nhà ga vẫn sôi động. Một
đoàn tàu vào ga và những hành khách vé không số ghế lao đến chiếm
chỗ ngồi.
Tôi tìm được một bốt điện thoại đường dài và gọi cho Aarti. Lần
này thì điện thoại reo. Tôi hít một hơi dài. Tôi không tự hào lắm về
tính khí của mình. Tôi muốn kiểm soát nó khi cô gái được chúc mừng
sinh nhật nhấc máy.
“Tôi nghe,” nhưng người nhấc máy lại là Chánh án Pradhan.
“Chào chú? Thưa chú, cháu Gopal đây ạ,” tôi buột miệng trong lúc
đáng ra phải gác máy. Sau ngần ấy lần gọi, tôi phải được nói chuyện
với nàng.
“À, ừ. Cầm máy nhé,” ông nói và lớn tiếng gọi Aarti.
Aarti lại gần chiếc điện thoại. Tôi có thể nghe được tiếng nàng nói
chuyện với cha.
“Con còn nói chuyện điện thoại bao nhiêu lâu nữa? Bạn bè con cứ
gọi đến suốt,” bố nàng cằn nhằn.
“Sinh nhật con mà bố,” Aarti nói và cầm máy.
“Chúc mừng sinh nhật, Aarti,” tôi nói, cố ra giọng phấn khởi.
“Hey Gopal! Cảm ơn anh. Anh chu đáo quá. Anh thức để chúc
mừng sinh nhật em đấy à?”