mức xác chết không thể nào giạt vào bờ được nữa. Chắc K đã chìm xuống
dưới đáy đại dương và làm mồi cho cá. Cuộc tìm kiếm xác K vẫn tiếp diễn
một thời gian dài với sự trợ giúp của những người đánh cá địa phương.
Nhưng sự tìm kiếm ngày càng thu hẹp dần và cuối cùng thì dừng hẳn. Bởi
không tìm thấy xác chết nên người ta cũng không tổ chức lễ tang cho K. Từ
sau việc đó, cha mẹ trở nên điên điên dại dại vì quá sầu thảm, suốt ngày
lang thang vô vọng trên bờ biển hay thu mình ở xó nhà mà tụng kinh.
"Nhưng mặc dù phải chịu đựng một tai họa lớn chừng ấy, cha mẹ K vẫn
không một lần trách mắng tôi chuyện tôi đã đưa K ra bờ biển giữa cơn chớp
giật bão bùng. Họ biết rõ rằng tôi thương K như đứa em trai và rất mực quý
trọng cậu ta. Cả cha mẹ tôi cũng dường như tránh đụng chạm đến biến cố
mà tôi đã tham gia. Nhưng tôi biết điều ấy. Nghĩ lại, tôi thấy rằng lẽ ra tôi
đã cứu được K. Tôi chắc rằng mình có thể chạy đến chỗ K đứng và đưa K
đến một nơi an toàn mà ngọn sóng khủng khiếp đó không thể nào với tới
được. Chuyện đã khép lại nhưng mỗi khi tâm tư tôi quay trở về chuyện ấy,
tôi lại nghĩ rằng lúc đó tôi vẫn còn đủ thời gian để cứu được K. Nhưng như
tôi đã nói ở trên, lúc ấy tôi đã kiệt sức bởi nỗi lo sợ mù quáng và đã bỏ K để
cứu chính mình. Bởi vì cha mẹ K không oán trách tôi và những người khác
tránh nói về biến cố đó như tránh một căn bệnh ung thư, tôi đau khổ nhiều
lắm. Cả một thời gian dài, tôi vẫn không sao hồi phục được sau cú sốc tâm
lý đó. Tôi không đến trường, không ăn uống gì được nhiều và suốt ngày chỉ
nằm trên giường nhìn trân trối lên trần nhà.
"Dù cố gắng bao nhiêu đi nữa tôi cũng chẳng thể nào quên cảnh tượng K
tựa trên những bọt biển trên đầu đỉnh sóng, ngoác miệng cười vui vẻ. Và tôi
cũng không thể xua khỏi tâm trí mình hình ảnh từng ngón một của bàn tay
K chìa về phía tôi mời gọi. Khi tôi ngủ, gương mặt đó, đôi mắt kia luôn
xuất hiện trong giấc mơ tôi như thể K đang nóng lòng chờ đợi tôi. Trong
những giấc mơ đó, K thoát ra khỏi cái vỏ bằng bọt biển, nắm lấy cổ tay tôi
và kéo tôi chìm vào con sóng.