Ba người yên lặng ngắm núi gỗ trước mặt. Giấy báo bắt cháy mạnh, vặn
ưỡn mình lên theo ngọn lửa, thoáng chốc cuộn nhỏ lại, rồi tàn đi. Rồi một
lúc như không có biến chuyển gì cả, Junko nghĩ thầm: Thôi không xong rồi.
Gỗ xem thế mà còn ướt quá chăng?
Vừa lúc tưởng đã bỏ cuộc, thì một sợi khói trắng uốn éo vươn lên. Nhờ
lặng gió, khói trắng vươn lên cao thành một sợi mỏng càng lúc càng dài,
liền lạc. Lửa đã bén đâu đấy rồi, tuy chưa thấy bóng dáng đâu cả. Không ai
nói một lời nào, ngay cả Keisuke cũng khép chặt miệng. Keisuke đút hai
bàn tay vào túi áo khoác ngoài. Ông Miyake ngồi bệt lên cát. Junko vòng
tay trước ngực, thỉnh thoảng như nhớ lại thì hít một hơi thuốc lá.
Junko lại nhớ đến truyện “Đốt lửa” 1 của Jack London, như từ trước vẫn
hay nhớ đến. Câu chuyện của một người đàn ông trong chuyến lữ hành đơn
độc đã đốt lửa sưởi trong tuyết phủ vây bọc chung quanh ở vùng hẻo lánh
Alaska. Lửa không bén thì người ấy chắc chắn phải chết cóng, mà trời chiều
đã hoàng hôn. Tiểu thuyết thì hầu như cô không bao giờ đọc, chỉ có truyện
ngắn ấy là cô đã đọc đi đọc lại nhiều lần vì phải viết bài bình giảng đề tài ấy
trong kỳ nghỉ hè lớp 10. Tình cảnh trong câu truyện tự nhiên hiện lên rõ rệt
trong trí, cô cảm nhận được cả nhịp đập hồi hộp của người đàn ông đang
đứng đối mặt với cái chết, tâm trạng hãi sợ pha lẫn hy vọng cùng lúc với
tuyệt vọng. Cảm nhận rõ ràng như chính cô đang bị đặt vào tình cảnh ấy.
Nhưng mà cô nghĩ điểm quan trọng nhất trong câu chuyện ấy, vẫn là sự thật
cơ bản rằng người đàn ông ấy đã đi tìm cái chết. Ngay từ đầu cô đã hiểu
được như thế mặc dù không giải thích rành mạch được lý do. Người đàn
ông thật sự đã đi tìm cái chết vì hiểu rằng chỉ có cái chết mới là chung cuộc
thích đáng đối với ông ta. Mà mặc dù vậy, để sống còn, ông ta vẫn phải đấu
tranh tay đôi chống lại cái chung cuộc áp đảo ấy. Cái mâu thuẫn căn bản ấy
ở ngay trọng tâm của câu chuyện đã kích động tầng sâu thẳm trong ý thức
của Junko.