học vào làm cho ngân hàng này, suốt 16 năm nay, anh vẫn làm việc trong
Ban Quản Lý Tiền Nợ, chuyên đi đòi nợ những người đã vay mà không
chịu trả. Hiển nhiên đồng sự của anh chẳng ai ham Ban đòi nợ này, ai cũng
muốn giành công tác cho vay thôi. Nhất là trong thời buổi kinh tế bọt, tiền
ngân hàng đầy ắp trong kho, chỉ cần có chút nhà đất hay chứng khoán vừa
đủ để bảo đảm, là nhân viên cho vay sẽ nghe theo răm rắp, muốn vay bao
nhiêu cũng chấp thuận. Số tiền cho vay càng nhiều, nhân viên cho vay càng
có thành tích. Thế nhưng, đến lúc nào người vay không trả được thì đám
Katagiri lại phải ra tay. Nhất là từ khi kinh tế bọt đã xì hơi, công việc đòi nợ
tăng lên nhanh chóng. Bắt đầu là chứng khoán sụt giá, rồi nhà đất sụt giá,
không còn có ý nghĩa đảm bảo gì nữa. Cấp trên ra mệnh lệnh tối thượng cho
đám chuyên môn đòi nợ Katagiri là phải: "Rứt lại được đồng nào hay đồng
ấy".
Khu Kabukichô của quận Shinjuku giống như mê cung của các băng
đảng tội ác. Băng đảng lâu đời cũng có, mà băng đảng bạo lực có tổ chức
của dân Hàn Quốc, rồi dân Trung Quốc, cũng trà trộn ở đấy. Súng đạn, ma
túy đầy dẫy. Những lượng tiền khổng lồ không phải ló lên bề mặt, mà chảy
ngầm, trong bóng tối. Chuyện người ta tiêu tán như hơi khói cũng chẳng lạ
lùng gì ở đấy. Ðã có những lần Katagiri đi thúc nợ bị bọn băng đảng bao
quanh, dọa giết. Nhưng anh cũng chẳng sợ. Anh nghĩ chúng giết nhân viên
quèn đi đòi nợ cho ngân hàng mà làm gì. Muốn đâm cứ đâm, muốn bắn cứ
bắn. Cũng may là anh chưa có vợ con gì. Cha mẹ thì đã mất cả rồi. Em trai,
em gái thì tự tay anh đã lo liệu cho tốt nghiệp đại học rồi lại dựng vợ gả
chồng xong cả rồi. Bây giờ anh có bị giết thì cũng chẳng gây khó cho ai.
Mà đối với chính anh cũng chẳng sao.
Ngược lại, thấy Katagiri bình thản chẳng toát ra lấy một tí mồ hôi như
thế, bọn băng đảng đang vây quanh lại cảm thấy khó ở, nên chẳng làm gì
anh cả. Nhờ thế mà từ đấy, anh được tiếng khá rộng rãi trong giới anh chị là
người can đảm.