Nhỏ Miền là con gái nên nó không dám bỏ nhà đi suốt ngày như tôi. Mặt trời lên ngang ngọn tre trước sân là nó đòi về. Khác với
bọn con trai lêu lổng chúng tôi, nó còn phải quét nhà, nấu cơm và thỉnh thoảng làm cái chuyện nó không thích chút nào là chạy lên quán
bà Vọng mua rượu cho ba nó.
Ba tôi và ba thằng Phúc ngày nào cũng cùng nhau chén chú chén anh dưới bóng chiều nhạt nắng. Bóng tối mon men từ ngoài bờ rào
bò vào tới tận trong nhà, cả hai vẫn ngồi uống tì tì. Nhưng tôi chưa thấy hai người gây gổ hoặc đánh nhau với ai bao giờ. Cũng chẳng
một lần to tiếng, chỉ có tiếng trò chuyện rì rầm, hôm nào ngồi cạnh là tôi buồn ngủ muốn díp mắt lại.Chỉ có ông Sáu Thôi hễ rượu vào là
ầm ĩ. Đặc biệt hôm nào lên quán bà Vọng, ông cũng say khướt và sớm muộn gì cũng vật nhau huỳnh huỵch với ông Đường ngoài đường
quốc lộ.
- Sao ông Sáu Thôi và ông Đường cứ đánh nhau hoài hả cậu?
Có lần không kềm được, tôi hỏi cậu Huân. Những chuyện như thế này, tôi không dám hỏi ba tôi. Tôi cũng không dám nói với cậu
Huân tôi đang thích con gái ông Sáu Thôi.
Cậu Huân sống với bà ngoại tôi trong làng Phô Thị, cách nhà tôi khoảng hai mươi cây số nhưng chuyện gì xảy ra ở thị trấn cậu cũng
biết. Cậu là con út của ngoại tôi. Xét về tuổi tác cậu không cách xa tôi nhiều lắm nên so với những người bà con khác, cậu gần gũi với tôi
nhất và tôi cũng hay tâm sự với cậu nhất. Cũng có thể vì mẹ tôi mất sớm nên cậu dồn tình thương cho tôi nhiều hơn những đứa cháu
khác.
Cậu Huân đáp:
- Tại mấy ổng say rượu.
- Ba con cũng hay uống rượu.
- Ba con uống rượu nhưng ba con không say.
Tôi chép miệng:
- Hồi chiều con thấy ông Sáu Thôi và ông Đường vật nhau và té lăn từ đường quốc lộ xuống vạt ruộng cạnh bến xe thị trấn.
Tôi nghe tiếng cậu Huân thở dài:
- Hai ông đó ngày nào cũng vậy.
- Con thấy quần áo đầu cổ hai ông lấm lem. Nhìn dơ dáy kinh khủng. - Tôi nói, bụng chợt nhói một cái khi nghĩ đến nhỏ Miền. Ba
nó vậy, chắc nó rầu rĩ lắm.
Ông Sáu Thôi và ông Đường gần như chiều nào cũng gây sự với nhau chỗ bến xe thị trấn. Đơn giản vì chỗ đó có quán rượu của bà
Vọng.
Quán rượu bà Vọng cạnh bến xe, chếch về phía trường trung học, chỉ bán rượu trắng với các thứ mồi nhậu bình dân như khô mực,
đậu phộng rang, ổi dầm nhưng chiều nào cũng đông khách. Thị trấn nghèo chẳng có gì giải trí, cánh đàn ông sau một ngày làm việc vất
vả, giải khuây bằng cách mò tới quán bà Vọng.
Thực ra quán bà Vọng là quán bún giò heo, rượu chỉ là bán kèm, nhưng từ năm giờ chiều trở đi khách uống rượu lại đông hơn khách
ăn bún.
Bà Vọng buôn bán lâu ngày, quen mặt khách. Nhác thấy ông Đường bước vô, còn đang loay hoay kiếm ghế ngồi, bà đã sai thằng
con, tức thằng Lẹ học chung lớp với tôi, đem ra xị rượu trắng và con khô mực đặt trước mặt ông.
Lát sau, thằng Lẹ lại lặp lại động tác đó khi ông Sáu Thôi thò mái tóc quen thuộc cắt theo kiểu ba phân chỗ ngách cửa.
Tôi đã chứng kiến cảnh này nhiều lần, vì ba tôi thường sai tôi đi mua rượu chỗ quán bà Vọng. Thông thường, ông Sáu Thôi và ông
Đường không xông vào nhau ngay. Mỗi ông một góc, người tới sau cố tình ngồi thật xa người tới trước. Khách ghé vô lai rai, một chốc
đã lấp đầy các dãy bàn, hai ông chỉ thấp thoáng thấy nhau qua mớ đầu cổ lúc nhúc. Mà thoạt đầu hai ông cũng chẳng buồn nhìn nhau,
người này xem người kia như một thứ ruồi nhặng không đáng quan tâm.Nhưng khách quen ở quán bà Vọng đều biết đó chỉ là sự im lặng
trước cơn giông, những màn hay nhất còn ở phía sau. Và người ta chờ đợi, hồi hộp và nôn nao như khán giả ngồi chờ kịch kéo màn.
Trăm lần như một, ông Sáu Thôi bao giờ cũng là người gây sự trước, không hẳn ông hiếu chiến hơn mà vì ông say nhanh hơn ông
Đường. Khi say có lẽ ông thấy cái mặt nào cũng đáng ghét, nhất là cái mặt đó gắn trên cổ ông Đường.
Lần nào cũng vậy, sau ba tợp rượu mặt ông Sáu Thôi đã đỏ bừng bừng. Thế là ông lè nhè chửi đổng: