- Đúng là đồ chẳng ra gì!
Ai cũng biết ông cạnh khóe ông Đường. Ngay cả ông Đường cũng biết ông Sáu Thôi chửi mình nhưng ông không nói gì. Đơn giản
là ông uống chưa đủ nhiều.
- Đồ ti tiện! - Ông Sáu Thôi tiếp tục phỉ nhổ đối phương.
Sau "đồ ti tiện" tới "đồ sâu bọ" và hàng lô hàng lốc những lời sỉ nhục khác. Đến khi ông Sáu Thôi kết thúc màn lăng mạ bằng câu
"quân giết người" thì ông Đường đứng phắt dậy.
Gọi là kết thúc vì câu mắng "quân giết người" quá nặng, quá trầm trọng và vì lúc đó ông Đường đã nốc đến ly rượu thứ mười, hơi
men đã đủ mạnh để dựng ông dậy.
- Ông nói ai vậy, ông kia? - Ông Đường quay gương mặt đỏ gay sang phía ông Sáu Thôi, gầm gừ, cằm bạnh ra, chỉ thiếu chiếc bờm
là ông giống hệt sư tử.
Ông Sáu Thôi lừ lừ nhìn đối phương, giọng khinh khỉnh:
- Ai có tật thì giật mình thôi! Tôi cần gì phải nói thẳng toẹt ra!
- Ông muốn gì? - Ông Đường thu nắm đấm, môi mím chặt.
Bị khiêu khích, ông Sáu Thôi vung tay chỉ thẳng vào mặt ông Đường, không buồn xưng hô lịch sự nữa:
- Tao muốn vặn cổ mày!
Ông Đường bước ra cửa, cao giọng thách thức:
- Ông ngon thì ra đây! Tôi và ông đánh tay đôi, xem ai vặn cổ ai cho biết!
Chỉ đợi có vậy, ông Sáu Thôi bật lên khỏi ghế.
Bà Vọng thấy cả hai kéo ra đường, liền lật đật chạy theo:
- Ê, mấy ông chưa trả tiền rượu!
- Mai trả!
Ông Sáu Thôi quay đầu đáp gọn lỏn rồi rảo bước theo ông Đường.
Vở hài kịch này bao giờ cũng bắt đầu như thế, lần nào cũng giống hệt nhau từ lời thoại đến động tác.
Ông Đường kéo theo ông Sáu Thôi. Ông Sáu Thôi kéo theo những người khác. Thực khách rùng rùng chồm đầu qua cửa. Vài người
chạy tuốt ra sân đứng xem như xem hát. Đám con nít chẳng mấy chốc bu quanh hai nhà đấu vật, miệng hò reo đầy hứng khởi.
Hai ông ôm nhau trì níu, kéo áo, siết cổ. Và vì hai đấu sĩ đều say khướt, đi đứng bình thường đã không vững, nên cả hai nhanh
chóng ngã ra đường để rồi tiếp tục dính vào nhau, lăn lê bò toài, tóc tai quần áo nát nhầu, bê bết bụi.
Cuộc chiến chỉ kết thúc khi cả hai ông hoặc một trong hai ông té lăn xuống vạt ruộng bên đường quốc lộ, lóp ngóp hoài không leo
lên nổi, chỉ biết chôn chân dưới bùn chửi vống lên, hoặc khi nhỏ Miền xuất hiện mếu máo dìu ba nó về.
Còn tôi mỗi lần bắt gặp nhỏ Miền trong tình huống oái oăm đó, lòng tôi luôn thắt lại như có ai vò và bao giờ tôi cũng cố giấu mặt sau
lưng đám đông để nó không nhìn thấy tôi.
-------
Có lần tôi bắt gặp cậu bé đang nặn một con kiến bằng đất sét moi được từ mép nước.
Hồi bằng tuổi nó, tôi cũng thích trò moi đất sét nặn tượng. Tôi và lũ bạn thi nhau nặn hình người, nặn con chó, con gà, con ngựa,
con voi.
Chúng tôi nặn bất cứ con vật nào chúng tôi nghĩ ra. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy đứa trẻ nào nặn con kiến, chỉ vì con kiến bé đến
mức không đứa nào nhớ đến nó khi cần tìm kiếm một hình ảnh để nặn tượng.