Hôm đó trước khi Phúc ra về, tôi cẩn thận dặn nó:
- Lần tới gặp nhỏ Miền, mày nhớ dò hỏi xem người nó thích có phải là tao không nha!
Phúc đá vào chân tôi:
- Mày chứ ai!
Bất chấp lời khẳng định của Phúc, tôi vẫn khăng khăng:
- Khi nào nghe chính miệng nó nói, tao mới tin.
Phúc dắt xe ra cổng, vừa đi vừa gật đầu:
- Được rồi. Lần tới tao hỏi.
-------
Trong mắt tôi, nó vẫn là đứa bé ngây thơ ở tuổi lên bảy.
Những ý nghĩ của nó bao giờ cũng ngộ nghĩnh và đáng yêu.
- Chú à. - Một hôm nó hỏi - Tại sao hoa mướp màu vàng mà hoa chanh lại màu trắng hở chú?
Câu hỏi của nó khiến tôi vô cùng bối rối.
- Ờ, hình như những loại cây ra trái như cây ớt, cây ổi, cây bưởi, cây chanh, cây cau đều ra hoa màu trắng con à.
- Cây mướp cũng ra trái đấy thôi.
Tôi tặc lưỡi:
- Nhưng đó là loại dây leo. Dây leo như mướp, bí, khổ qua thì ra hoa vàng.
Tôi rất hài lòng với cách giải thích của mình cho đến khi nó hỏi tiếp:
- Thế tại sao cây khế lại ra hoa tím?
- Ờ há. Chú cũng không biết nữa.
- Con biết. - Nó cười.
- Tại sao?
- Con nghĩ các loài cây đều ra hoa theo cách chúng thích. Giống như con thích đội chiếc mũ trắng nhưng thằng bạn con thích đội
chiếc mũ vàng. Và một đứa khác thì thích chiếc mũ tím. Nhiều khi chỉ để không giống hai đứa kia.
- Nhưng chú chẳng bao giờ thấy con đội mũ. - Tôi nhìn cậu bé dò xét, quả thật từ khi quen nó tôi chưa thấy nó đội mũ bao giờ dù
hôm đó trời nắng đến mức mọi bụi cỏ đều sẵn sàng bốc cháy.
- Con không thích đội mũ. Nói chung con không thích đội mũ lẫn mang dép. Nhưng nếu không mang dép thì ba mẹ con không cho
con ra khỏi nhà.
Hồi bằng tuổi cậu bé, tôi cũng thế. Ra khỏi nhà là tuột dép cầm tay. Chạy chân trần chán, về sắp tới cổng nhà mới mang dép vào để
không bị mắng.
Người lớn muốn trẻ em đội mũ để che nắng, mang dép để khỏi bị gai đâm. Nhưng mọi đứa trẻ đều cảm thấy vô cùng vướng víu cái
ý muốn tốt đẹp đó.
Tôi nhìn mái tóc cháy nắng của nó:
- Nhưng không đội mũ con sẽ bị đau đầu đó.
-------
Tôi chưa thấy Miền đội mũ bao giờ. Nón lá nó cũng không đội. Con gái thị trấn mười đứa ra đường hết chín đứa đội nón lá. Đứa thứ