- Cảm ơn mày nghe, Đuôi Tôm. - Tôi nói.
- Chuyện hôm qua hả?
- Ừ. Hôm qua nếu mày không lên tiếng, chắc tao nhừ xương với thằng Hướng.Phúc khịt mũi:
- Tao ghét trò bẩn của tụi thằng Lẹ.
Tôi thú thật:
- Tao cũng ghét nhưng tao không dám chống lại hai đứa nó. Mày anh hùng thật đấy!
Lần này Phúc không nói gì. Nó đong đưa chiếc cặp sách trên tay như để che giấu sự ngượng ngập. Chắc xưa nay nó chưa nghe ai
khen nó là anh hùng.
Tôi lại nhìn nó, liếm môi:
- Mà mày cũng gan thật! Dám một chọi hai!
- Tao chỉ làm theo lời ông tao dạy.
Ông ngoại của Phúc là ông Giáo Dưỡng. Ông mở lớp dạy học trò tại nhà. Ông chỉ dạy học ba tháng hè, chín tháng còn lại ông đóng
cửa ngồi nhà chơi hoa cá cảnh. Ông Giáo Dưỡng dạy giỏi đến mức hè năm nào học trò cũng kéo tới ùn ùn. Nhà trường vừa bế giảng là
phụ huynh trong làng thi nhau lùa con vào lớp hè của ông như người ta lùa vịt vào chuồng.
Hè năm ngoái tôi cũng học ông nhưng học nửa chừng thì bị đuổi do đánh nhau trong lớp.
Tôi nhìn Phúc, ngạc nhiên:
- Ông mày dạy mày đánh nhau à?
- Không. Ông tao chỉ bảo sống trên đời điều quan trọng nhất là không biết sợ.
Sau lần đó, tôi với thằng Phúc tự dưng thân nhau.
Nhà nó nằm ngay bến xe Hà Lam, cách trường học chừng tám trăm mét. Nhà tôi cất ngay giữa vườn ổi của ba tôi ở xóm Trong,
cách trường học khoảng bốn cây số.
Kể từ khi chơi với nhau, sáng nào tôi cũng ôm cặp ghé nhà Phúc, rủ nó đi học. Giờ ra chơi, tôi lôi ổi và muối ớt trong cặp ra, hai
đứa cùng ăn.
Tan trường, hai đứa lại cặp kè ra về.
Kể từ khi tôi và Phúc trở thành một cặp khăng khít, tụi thằng Lẹ và Cu Em không còn dám bắt nạt tôi nữa.
Ba Phúc làm thợ hồ. Mẹ nó mất sớm nên tôi và nó càng có lý do để thân nhau vì mẹ tôi cũng mất sớm. Nhưng nó hơn tôi là nó còn
ông ngoại.
Nhà ông ngoại nó có một cái tủ chứa đầy sách. Tôi chưa thấy nhà ai có nhiều sách như vậy. Tủ lắp kính, có ổ khóa, phải có chìa
mới mở được. Cái chìa khóa đó, luôn nằm trong túi áo ông ngoại nó.
Ông Giáo Dưỡng rất quý sách, vì vậy giữ sách rất kỹ. Tới nhà ông chơi, tôi thấy ông có hai cuốn sổ. Một cuốn chép thư mục sách
trong tủ, cả vị trí từng cuốn, để khi cần cuốn sách nào là ông tìm thấy ngay. Cuốn thứ hai là sổ cho mượn. Người trong thị trấn tới mượn
sách, ông ghi cẩn thận tên sách, tên người mượn và cả ngày giờ mượn. Người mượn ký tên vô ô trống phía sau. Khi nào trả, lại ghi ngày
giờ và ký tên vô ô "đã trả".
Phúc bảo:
- Ông tao làm như vậy để khỏi mất sách. Quá nhiều người mượn, nếu không ghi chép tỉ mỉ như vậy, ông tao chẳng nhớ nổi người
nào mượn cuốn nào, ai đã trả ai chưa trả.
Ông Giáo Dưỡng chỉ cho người lớn mượn sách. Trẻ con đừng hòng rớ vào. Dưới cái nhìn của ông, trẻ con là chúa ẩu, chúa nghịch,
sách mượn về không thất lạc cũng hư hỏng, nhem nhuốc. Chỉ có tôi là ngoại lệ. Vì tôi là bạn cháu ông. Nhưng ông không cho tôi đem
sách về nhà. Mỗi lần theo thằng Phúc tới chơi nhà ông ngoại nó, muốn đọc sách tôi phải ngồi lì trên ghế hoặc nằm dài trên phản đến tối
mịt để đọc cho xong, sau đó đặt ngay ngắn cuốn sách vào tủ trước khi ra về.