20
2. ĐỪNG CHO RẰNG MỌI CON BÒ
ĐỀU KÊU ỤM…BÒ… Ò…
Sau vài ngày trì hoãn, tôi quyết định đọc cuốn sách này và cười suốt, vì tôi
nhận thấy rằng hâu như mình đã sử dụng tất cả những lời biện bạch được đề cập
trong mỗi chương. Ngay tại thời điểm được thốt ra, những lời lẽ đó không có vẻ
gì là những định kiến, nhưng đọc thấy nó trên giấy trắng mực đen quả thật đã làm
tôi xấu hổ quá chừng. Tôi đã dùng một số những lời biện hộ đó với người khác
như là những lời khuyên đáng giá. Đối với tôi, việc trì hoãn luôn luôn là vấn đề
lớn. Để che giấu nó, tôi dùng những con bò như “Cẩn tắc vô ưu”, “Đừng mua trâu
vẽ bóng”, hay như “Để từ từ tính”. Vấn đề lớn là tôi liên tục trì hoãn những việc
nên làm cho đến khi quá muộn. Giờ đây tôi nhận ra rằng chúng ta rất dễ trở thành
nô lệ cho những lời biện bạch và những định kiến âm thầm xảy ra trong cuộc đời
chúng ta. Và, những điều này trông không có vẻ gì đáng phải bận tâm, nhưng bây
giờ tôi mới nhận ra rằng bọn chúng đều gây ra hậu quả. Tôi phải viết ra giấy ngay
lập tức những con bò của mình và quẳng chúng đi không thương tiếc.
- Charles, Los Angeles, California
*
*
*
Cũng như những thói quen xấu khác, những con bò có vẻ giống những
người bạn đồng hành lặng lẽ. Đó là lý do chúng ít bị nhận dạng và chúng có thể
tồn tại mà không bị ai “chiếu tướng”, để rồi mang lại những ảnh hưởng xấu trong
suốt cuộc đời chúng ta. Thật ra, ít ai trong chúng ta thừa nhận mình đã kiếm cớ
này cớ nọ. Thay vào đó, chúng ta vẫn xem chúng như những sự giải thích đúng
đắn, hợp lý cho những tình huống thường là - và thật tiện lợi làm sao - vượt quá
tầm kiểm soát của chúng ta.
Không phải chúng ta “lề mề” mà chúng ta chỉ “trễ một cách đúng điệu”,
hoặc hay hơn, chúng ta là nạn nhân của “sự bất ổn khó lường của giao thông”.
Bạn đã nhận ra rằng chúng ta dễ dàng lệ thuộc một cách vô thức vào những thói
quen xấu này như thế nào chưa?
Những sự biện minh của chúng ta đã trở thành “sự gạn lọc hợp logic”, nỗi
lo sợ vô lý trở thành “biện pháp phòng ngừa hợp lý”, và kỳ vọng thấp kém trở
thành “một cái nhìn thực tế trong cuộc sống”. Chúng ta phủ nhận việc mình hài
lòng ở vị trí thứ hai; chúng ta chỉ cố tỏ ra mình là người thực tế để né tránh sự
thất vọng. Chúng ta không bao giờ thừa nhận rằng mình đã cố gắng hợp lý hóa
sự tầm thường của bản thân, mà thích xem chúng như việc thiết lập các mức độ
khả thi cho những kết quả có thể chấp nhận được.