Làng nào có nghề riêng thì làng ấy có âm thanh riêng. Làng Thiết Ứng làm
nghề chạm khắc. Âm thanh riêng của làng là tiếng đục. Ở đây tiếng đục là
tiếng tim, tiếng của hồn người, nói một ngôn ngữ riêng – thanh khỏe, lam
làm và hào hoa. Chị cứ đứng ngoài đường làng mà nghe, thích tiếng đục
của nhà nào thì chị vào nhà ấy mà bán ngà cho người ta. Bán ở đấy được
giá nhất! Còn nếu chị muốn bán cho nhanh và đỡ phải hỏi thăm đường
nhiều thì đến phố Sinh Từ. Chị đi ô tô về Hà Đông rồi đi tàu điện đến Giám.
Từ Giám rẽ tay phải mấy trăm mét là Sinh Từ. Chị chú ý quan sát dãy nhà
số lẻ có một bà bán dao kéo (ngồi trong chứ không bày ra ngoài vỉa hè). Bà
này người đẫy đà, da dẻ hồng hào, cổ đeo xà tích – nhớ cho kỹ đặc điểm
này – cổ đeo xà tích. Đằng sau mấy con dao cái kéo của bà ta là cả một kho
báu đủ ngọc ngà, kim cương, vàng bạc… Ai muốn mua thứ gì cũng có và ai
muốn bán thứ gì dù đắt mấy bà ta cũng đủ sức mua. Có điều bà ta sẽ trả chị
rất rẻ. Nhưng vẫn còn hơn phải lang thang ở Hà Nội mày mò hỏi thăm
đường để rồi bị mất cắp, bị cướp, hoặc bị công an túm được.
Chuyến ấy, nàng làm đúng như lời chàng dặn. Bà dao kéo Sinh Từ trả
nàng 3.200 đồng, bằng bốn chỉ vàng.
Mừng vui vì thắng lợi, nàng những muốn chạy ngay đến đội điều tra
rừng để khoe với chàng, song chợt nhớ đến lệnh cấm của chàng nàng lại
thôi. Đành phải chờ một dịp khác, một chuyến khác.
Chuyến sau này nàng buôn xương hổ. Đầy một ba lô cóc xương hổ.
Cũng thân gái dặm trường cũng rừng đêm bịt bùng nhưng lần này, nàng
thấy vững tâm hơn bởi nàng đinh ninh luôn có vệ sĩ đi kèm. Mà quả đúng
vậy. Khi nàng chuẩn bị xắn quần lội suối bỗng ngọn đèn ló bật sáng.
- Đoạn ấy đá trơn lắm đấy. Dịch xuống phía dưới một chút kẻo lại ngã.
Nàng cười mừng rỡ:
- Anh cũng qua suối chứ?
- Tất nhiên.
- Về nhà, em sẽ chiêu đãi anh. Chuyến hôm nọ thắng to anh ạ.
- Chị bán cặp ngà được bao nhiêu?