Ngày thứ sáu, gia đình ép Trịnh phải đi bệnh viện khám. Các bác sĩ kết
luận tim, phổi, thần kinh của anh hoàn toàn bình thường. Kết quả xét
nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân đều bình thường. Vậy
mà anh vẫn khăng khăng đoán quyết rằng ngày mai anh sẽ chết. Thậm chí,
anh còn bắt vợ đun cho anh một nồi nước lá ngũ hương để anh tắm. Chưa
bao giờ anh tắm kỹ đến thế. Xong, anh mang bộ quần áo mới nhất ra mặc.
Buổi tối, anh lên một cơn sốt rất lạ lùng. Lúc đầu, thấy nóng ran hai gan
bàn chân, rồi nóng dần lên đầu gối, lên ngang thắt lưng, lên bụng, lên ngực
– Cái nóng chạy đến đâu, mồ hôi tóa ra đến đấy. Chỗ nào ráo mồ hôi là
lạnh, lại cũng lạnh từ dưới lên. Khi cái lạnh lan đến bụng, anh són ra một tý
phân, đen như cục mực tàu. Lúc này đồng tử mắt anh bắt đầu giãn ra. Giờ
thì chị Tứ biết anh đang chết dần từng khúc ruột.
Tưởng anh sẽ cắn chặt hàm răng mãi mãi, mang xuống mồ tất cả bí mật
về cái chết này. Nhưng không, anh đã kể với vợ, câu chuyện rời rạc đứt mối
trong hơi thở gấp gáp của người đang nằm kề miệng huyệt.
II. Tái ngộ
Trịnh gặp lại Cấm Vẩu ngay trên quê hương ông ta. Cuộc tái ngộ thật bất
ngờ.
- May mắn lắm à! Vui lắm à! – Cấm Vẩu nói – Mày phải uống rượu với
mỗ thôi. Lại có cơ hội để làm giàu.
“Cơ hội để làm giàu”. Trịnh đã một lần được Cấm Vẩu tạo cơ hội, một
cơ hội có thể làm giàu, rất dễ giàu nữa, nhưng nguy hiểm.
Trận lụt năm bảy mốt lớn quá. Cả vùng chiêm trũng quê Trịnh nổi lềnh
bềnh trên mặt nước như một chiếc bè. Nước chưa rút, cái đói đã ập đến.
Nông dân bỏ đồng ruộng tứ tán đi làm thuê, đi ăn mày, đi buôn vặt. Cái ba
lô hàng bách hóa của Trịnh lúc đó chỉ có vài tá pin đèn, vài chục bánh xà
phòng, ít kem đánh răng – Nó lèo tèo tới mức tất cả có thể bày hết lên một
cái mẹt. Nhưng mà sống được, vì anh mua tận gốc, bán tận ngọn. Với lại,