chẳng khen. Ở đời khối kẻ có tội như quả núi mà cấm có mở mồm nhận lỗi
với dân làng được một câu.
Song, trong chuyện này, ông biết rất rõ sự hèn mạt của con ông. Ông mất
hai cái nậm rượu cổ đúng cái đêm cô Huyền bỏ đi, cùng một đêm với bà
Vượng mất đôi hoa tai. Vậy mà thằng Đấu không hề mở miệng nói gì về
việc này.
Ban chiều, ông đã bắt nọn thằng Đấu:
- Thế cái Huyền nó không gửi trả tao hai cái nậm rượu à?
Thằng Đấu cúi gầm mặt, lảng tránh cái nhìn chiếu tướng của ông, lúng
búng:
- Con… con biết đâu đấy. Bố mất bao giờ?
Thế là ông già đã nắm được thóp thằng con. Nó đã lòi cái đuôi dối trá ra.
Lúc đó, ông chỉ muốn nện cho nó mấy cái tát. Song ông nén lại được. Làm
ầm ĩ lên, vạch áo cho người xem lưng chẳng hay ho gì. Vài lạng vàng đối
với ông chỉ như cầu vồng trong mưa, có đấy mà không có đấy. Ông chỉ đau
khổ vì cái tính giả dối của thằng con. Tính độc ác làm người ta ghét, còn
tính dối trá làm người ta khinh bỉ, kinh tởm. Lại nữa, ông đã thề không thí
cho nó thêm một chinh nào. Thằng con ông đã quen thói ăn sẵn mất rồi.
Chung quy chỉ tại mẹ nó cưng nó quá. Một lần về phép, trong bữa liên hoan
gia đình, ông gắp miếng thịt gà ngon nhất cho vợ. Vợ ông chưa kịp ăn,
thằng con đã chọc đũa vào bát mẹ gắp miếng thịt gà vào bát của nó. Vợ ông
cười trừ, còn ông thì giận tím mặt.
Thế là hỏng rồi. Thằng con ông đã tự xem nó to bằng giời, muốn làm gì
thì làm. Người ta bộc lộ trước hết ở miếng ăn, sống vì miếng ăn và chết
cũng vì miếng ăn. Miếng ăn tự nó là việc nuôi sống, cũng tự nó là văn hóa
và tự nó cũng có thể là một hành động tàn phá. Con ông thuộc về trường
hợp thứ ba, nó thuộc loại ăn tàn phá hại. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các
hoàng đế xưa, khi muốn tuyển dụng người, thường mời họ một bữa ăn. Ăn
kêu như lợn là kẻ thô lỗ, Ăn cúi đầu, vục mặt xuống bát là kẻ bần tiện, thấp
hèn. Ăn từ tốn, vừa ăn vừa thưởng thức ấy là bậc trí giả.