chẳng phải là giàu. Như phần đông những người con gái thời ấy, bà Nguyễn
lấy chồng sớm. Chồng bà là anh con trai độc nhất của một chủ vựa nước
mắm. Cả một đời ông bố trần lưng ra lao động, kiếm tiền để cho anh con
trai tiêu xài, phá tán. Có lần, anh chở hai thuyền buồm nước mắm lên Hà
Nội bán rồi lên phố Khâm Thiên chơi một tháng ròng và về nhà với hai bàn
tay trắng và cặp mắt lờ đờ như chuột say khói. Sau khi bố mất, anh là người
“có tài” trong một thời gian ngắn đã đẩy cả cơ nghiệp tới chỗ phá sản hoàn
toàn. Bà Nguyễn phải giơ đôi vai bé nhỏ gánh lấy cơ nghiệp của nhà chồng,
nuôi năm miệng ăn (chồng, mẹ chồng, hai con trai và bản thân mình). Bà
mở một quán ăn nhỏ, bán ngẩu pín, thịt chó, rượu trắng và bún rối.
Chỉ khi Pháp xây dựng nhà máy xi măng Hải Phòng, bà Nguyễn mới đổi
hướng kinh doanh.
- Tây nó làm nhà Tây bằng gì? – Bà Nguyễn hỏi các bác thợ xây.
- Bằng xi măng và sắt.
Thế là bà Nguyễn chuyển sang buôn sắt, vì bà thấy cả nước Nam ta chưa
có một nhà máy nào làm ra sắt cả. Mới đầu, kho sắt của bà Nguyễn mới chỉ
vài ba tấn, rồi lên hàng chục hàng trăm tấn. Về sau, bà Nguyễn thành bà
chúa sắt. Những con tàu khổng lồ chở sắt từ Pháp sang cập bến cảng Hải
Phòng và những chiếc xe cam nhông ùn ùn chở sắt về kho bà Nguyễn.
Làng tôi bấy giờ, hơn tám trăm hộ, đậu trên một cồn cứt sắt lớn. Bởi tổ
nghiệp chúng tôi làm nghề nấu sắt. Quốc sử chép rằng: “Làng Nho Lâm,
Diễn Châu, Nghệ An là trung tâm luyện sắt đầu tiên của người Việt cổ”.
Làng tôi sống nhờ nghề sắt, đóng thuế cho nhà vua cũng bằng sắt. Sắt nấu
ra, đổ thành cục, thành thỏi, rèn thành liềm, hái, giáo, mác… Cứt sắt thải ra,
đổ thành cồn đống, gò bãi, thành thổ cư của cả làng.
Bà tôi kể rằng: “Lần đầu nhìn thấy thanh sắt tây, cả làng tôi mấy đêm
liền không ai ngủ được. Những lò than vẫn cháy. Cả làng vẫn hồng rực lên.
Quặng trong nồi hông vẫn chảy ra, sáng đến nhức nhối cả con mắt, nhưng
chẳng để làm gì nữa cả. Loại sắt thứ cấp, nấu bằng nồi hông ấy không bán
được nữa”. Từ đó, làng tôi chuyển sang nghề nông và buôn chữ, ăn cháo, ăn