xông vào thì mình chơi bài “thiền sư sát hổ”, hai tay chắp lại, đấm thẳng
lên, phách ra, xé xác hắn thành hai mảnh.
Ông quỳ trước mặt tôi, biểu diễn bài “thiền sư sát hổ”. Da thịt ông bừng
bừng như bốc lửa, bắp thịt cuồn cuộn. Gân tay nổi chằng như dây chão. Rồi
“vụt”, “há a” nghe khét lẹt. Đang hăng máu ông đi tiếp bài “Lão hầu ly
sơn”. Ông lấy tôi làm mô hình, gượng nhẹ thôi, rất gượng nhẹ nhưng mặt
tôi bị xây xát nhiều chỗ, máu chảy ròng ròng.
Ông nhìn tôi vẻ thương hại:
- Tội nghiệp. Tôi có mật gấu đây. Bóp một chút là tan hết.
Rồi ông lấy mật gấu xoa bóp cho tôi. Tôi nhìn bóng ông trong chiếc
gương lớn – giống hệt như một con gấu đang vầy vò bỡn cợt một chú cừu
con.
- Cậu uống nữa đi. Một cốc nữa. Rượu này sức uống được bao nhiêu cứ
uống đừng sợ – Tôi kể đến đoạn nào rồi nhỉ?
- Dạ ông đang kể chuyện học võ.
- Ừ học võ. Mất hẳn bốn năm. Sau đó, tôi xuống Hà Nội, xin vào học
trường Bưởi, rồi năm 1937, tôi thi vào trường Bách Nghệ. Khi ra đi, bố tôi
cho sáu mươi đồng, tám ông anh mỗi người cho ba chục đồng, vị chi là ba
trăm đồng. Ba trăm đồng lúc đó bằng một trăm tạ gạo. Chẳng biết bây giờ
có cậu sinh viên nào về Hà Nội học phải mang theo một trăm tạ gạo như tôi
không?
Ở trường Bách Nghệ, tôi học lái xe lửa và đỗ ưu. Mục đích của mình là
buôn thuốc phiện, học nghề ngỗng gì cũng chỉ để buôn thuốc phiện. Nghề
lái xe lửa hợp với nghề buôn món “cơm nâu” kia. Song, học xong, mấy
thằng xếp Tây bắt tôi lái tàu tuyến Hà Nội – Hải Phòng. Thế là hỏng. Chạy
tuyến ấy thì buôn bán được cái gì. Đành phải tính bài lo lót cho bọn Tây
vậy.
- Lương lái tàu hỏa lúc ấy 75 đồng/tháng (trong khi lương tri huyện có
40 đồng/tháng) nên sau một năm, tôi đã dành dụm được một khoản kha khá,
đủ để đấm mõm bọn chủ Tây.