Hàng vạn người cứ ngày đêm cong lưng lên mà đào, mà đãi. Ông Ký cứ
ngồi co chân trong quán uống rượu, hút thuốc phiện. Tối ngày mọi người
mang vàng đến cống nạp. Người được nhiều, nộp nhiều. Kẻ được ít, nộp ít.
Ai rủi ro không được mà hết tiền, có thể xin ông Ký một vài chỉ xài tạm.
Người ta nộp vàng cho ông Ký như một thứ thuế bảo hiểm để không ai chèn
ép trấn lột được. Đến bãi vàng, chỉ sau khi nộp thuế bảo hiểm cho ông Ký,
người ta mới yên tâm làm ăn. Nếu không, một vẩy vàng cũng không có để
mang về, cả mạng sống cũng nghìn cân treo sợi tóc. Ông Sinh trước làm Ký
ở bãi vàng Na Rì. Bãi vàng này, người ta phát hiện được từ thời Pháp thuộc.
Dân khai thác được một dạo thì bị Tây ra lệnh cấm. Ông Sinh hết đất làm
Ký đành phải đi buôn thuốc phiện. Vốn của ông ấy lớn là phải lắm. Bây
giờ, ở Na Rì luôn luôn có hàng vạn người đến đây đào vàng. Và cũng như
ngày xưa, cũng lại có một ông Ký, gọi là Ký Châu. Tay này nghe nói võ
nghệ gớm lắm. Vợ hắn có một vườn chuối hơn một nghìn cây. Hắn luyện
võ, đá gục bằng hết. Ngón đá của hắn hiểm lắm, người ta đồn thế. Nghe cậu
nói chưa biết bãi vàng là gì, hôm nay, tôi đưa cậu lên Na Rì để biết thế nào
là cái “xã hội vàng” và cũng hiểu thêm một chút về ông Ký Sinh.
- Cháu vô cùng cám ơn ông. Nhưng ông lãng phí quá. Chẳng cần phải
thuê một chiếc Toyota như thế này. Tốn kém lắm. Hai ông cháu mình chỉ
cần một cái com-măng-ca là được.
- Loại xe ấy xóc và nóng lắm. Vả lại, cũng chẳng đáng là bao. Tiền xe
bao nhiêu chú tài nhỉ?
- Dạ, cháu xin bác năm trăm cả đi lẫn về.
- Cả ăn uống nữa là một triệu. Một chục triệu cũng không là cái đinh.
Hết bao nhiêu, bắt Ký Châu trả. Cậu nhà báo khỏi lo.
Cuộc sống ở bãi vàng Na Rì dữ dội, gấp gáp và hỗn loạn. Hàng vạn
người ùn ùn dồn về đây, tranh nhau đào bới, rút ra từ đất những vẩy vàng bé
nhỏ nhất. Dân làng vàng chia làm hai loại, chủ (gọi là bưởng) và phu (gọi là
cửu vạn). Chủ nhỏ, có từ bảy tới mười cửu vạn. Bưởng lớn có hàng trăm,
vài trăm phu. Phục vụ cho đội quân lao lực này là một mạng lưới dịch vụ đồ